(LQĐ) – Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2025 là năm đầu tiên thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Để ôn thi môn Hóa học hiệu quả, học sinh cần chiến lược thông minh, bắt đầu từ việc xác định lỗ hổng kiến thức đến rèn luyện tư duy giải đề.

Hệ thống kiến thức cần thiết để ôn tập môn Hóa học
Theo cô Phạm Hồng Nhung, giáo viên môn Hóa học của Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn: Trước hết, học sinh cần nắm chắc kiến thức trọng tâm lớp 12 – và liên hệ tốt với kiến thức các lớp trước. Đừng quên, đề thi có thể hỏi các dạng bài về thí nghiệm – phổ khối (MS), phổ hồng ngoại (IR) – liên hệ thực tế.
Học sinh cũng cần chủ động xác định phần nào mình chưa nắm vững. Các chuyên đề mà học sinh cần tập trung nắm vững như: Cấu tạo nguyên tử, bảng tuần hoàn, liên kết hóa học, ester – lipit, amin – peptit – protein, kim loại, điện phân…Từ đó đánh gái mức độ hiểu từng chuyên đề của bản thân, vẽ sơ đồ tư duy để hệ thống lại kiến thức và giải các bài tập mẫu. Nếu làm bài chưa đúng hoặc chưa nắm chắc hãy đọc kỹ lại kiến thức sách giáo khoa để nắm cho chắc.
Một trong những yếu tố hết sức quan trọng trong quá trình ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi đó là thi thử như thi thật. Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn ngay từ trong năm học đã tổ chức các kỳ thi thử Tốt nghiệp THPT để học sinh quen với không khí thi, quen với áp lực thời gian. Sau mỗi đợt thi thử đều đối chiếu, phan tích sai sót và củng cố lý thuyết, phương pháp làm bài cho học sinh.

Chìa khóa chinh phục câu khó với kỹ năng đọc hiểu
Chương trình GDPT 2018 nhằm đánh giá kiến thức và kỹ năng của người học, do đó, đề thi tập trung vào kỹ năng suy luận, đọc hiểu và vận dụng vào thực tế. Vì vậy, nhiều câu dài, có ngữ cảnh, đặc biệt là việc liên hệ tới thực tế, thực tiễn và yêu cầu học sinh phải hiểu sâu bản chất kiến thức. Đây cũng có thể là những phần có tính mấu chốt, phân loại.
Do đó, nếu thấy những nội dung, phần kiến thức nào có liên hệ, vận dụng tới thực tế, thực tiễn, thí sinh cần chuẩn bị, suy luận, đặt ra các tình huống trong đời sống, thực tế sản xuất.
Khi đọc đề, các em hãy gạch chân từ khóa như: Điều kiện phản ứng, chất tham gia, yêu cầu câu hỏi… để không bỏ sót dữ kiện.
Chú ý các từ: “Đúng”, “Không đúng” trong các lệnh hỏi. Nếu không đọc kỹ, rất dễ chọn nhầm đáp án dù hiểu đúng kiến thức. Gạch chân các từ khóa trong các câu hỏi khi đọc đề: tiết kiệm thời gian; ghi nhớ được ý hỏi của đề và dễ dàng liên kết các dữ kiện đề bài cho, đề bài hỏi để xác định được phương pháp làm bài. – Cô Phạm Hồng Nhung lưu ý.
Nên ưu tiên luyện các câu hỏi tình huống như: Tại sao dùng vôi để xử lý nước nhiễm phèn? Vì sao thép bị gỉ và cách chống gỉ? Hydrogen được dùng làm nhiên liệu sạch – em phải nêu cách điều chế và lợi ích…
Các em hãy đọc kỹ từng câu, đừng chọn đáp án ngay vì có nhiều “bẫy” đánh lừa thí sinh. Những câu gần đúng nhưng sai bản chất sẽ rất dễ bị chọn nếu đọc ẩu.
Cô Nhung cũng hết sức lưu ý các em học sinh khối 12 cần quản lý tốt thời gian của mình khi làm bài thi: “40 lệnh hỏi trong 50 phút – Làm câu dễ trước, câu khó sau – tránh mất điểm đáng tiếc.” – Cô Phạm Hồng Nhung nhấn mạnh.
Một mẹo nhỏ được cô Nhung chia sẻ đó là mỗi học sinh cần kiểm tra kỹ trước ngày thi, đảm bảo mang 2 bút chì, 1 tẩy, máy tính, kiểm tra trước ngày thi. Quan trọng nhất là tập trung cao độ, giữ tâm lý bình tĩnh để tránh nhầm lẫn.