TOÁN HỌC VÀ THỰC TIỄN

 

 

 

Cần chọn vị trí nào để đặt chiếc đèn cao áp trong công viên hình tam giác mà đèn có thể chiếu sáng toàn bộ công viên? Hãy tính diện tích khu đất nhà em? Làm thế nào để tính được diện tích trường học của em? Có bao nhiêu cách sắp xếp một đội văn nghệ của trường gồm 7 bạn trong đó có ít nhất 2 bạn nam?… Những câu hỏi này, chúng ta hoàn toàn có thể trả lời bằng những kiến thức toán học. 


 

 

Làm thế nào để học toán không chỉ còn trên sách vở, để học sinh hứng thú với môn toán là những điều mà các thầy cô nhóm Toán luôn dày công nghiên cứu và tìm cách đổi mới phương pháp dạy học, lồng ghép những kiến thức toán học vào thực tế, để những bài học trở nên gần gũi với đời sống hàng ngày. Tiết chuyên đề “Diện tích đa giác và ứng dụng” do cô giáo Nguyễn Thu Hà thực hiện vào sáng 29/11/2019 là một bài học như thế. Đến dự tiết chuyên đề còn có rất nhiều thầy, cô giáo bộ môn Toán của các trường THCS trên địa bàn quận Nam Từ Liêm và các thầy cô giáo của tổ Khoa học tự nhiên – trường THCS& THPT Lê Quý Đôn.

 

 

 

Cấu trúc tiết chuyên đề được thực hiện dựa trên một trò chơi với tên gọi EUREKA, trò chơi gồm 4 phần: Khởi động, Vượt chướng ngại vật, Tăng tốc và Về đích.

 

 

 

Phần chơi thứ nhất mang tên “Khởi động” là phần hoạt động nhóm với 5 câu hỏi trắc nghiệm có liên quan đến diện tích của đa giác, thời gian cho mỗi câu hỏi và trả lời là 30 giây. Trong phần chơi này, mỗi nhóm được trang bị 1 chiếc điện thoại thông minh và truy cập vào trang Kahoot.it để tương tác trực tiếp. Đội hoàn thành nhanh nhất sẽ giành được 10 điểm, đội thứ 2 sẽ được 9 điểm, tương tự điểm cộng sẽ giảm 1… Từ phần chơi này, các con sẽ tự đặt ra câu hỏi tại sao diện tích hình học lại quan trọng đến vậy?

 

Mở đầu phần chơi thứ hai, “chướng ngại vật” là video về một tình huống cụ thể do chính các Doner đặt ra: Em hãy tính diện tích trường THCS& THPT Lê Quý Đôn? Trong phần chơi này, cô giáo Thu Hà đã chuẩn bị cho mỗi nhóm một bản vẽ mặt cắt trường THCS& THPT Lê Quý Đôn trên khổ giấy A1 là một đa giác với các kích thước cho trước và yêu cầu các nhóm thực hiện tính toán trên chính bản vẽ này. Trước một bài toán thực tế rất gần gũi và thú vị, các Doner đều vô cùng hào hứng và hiểu phải chia đa giác thành các tam giác hoặc hình thang đã có công thức tính diện tích. Phân công nhiệm vụ cho các thành viên tính toán từng diện tích các thành phần.

 

 

 

Tuy nhiên trong thực tế không phải đa giác nào cũng có công thức để tính diện tích, càng không phải các hình thực tế nào cũng là đa giác, vậy các hình có đường bao là các đường cong thì ta sẽ tính diện tích của chúng như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, cô giáo đã giới thiệu phương pháp lưới ô vuông trong việc ước lượng tính diện tích. Với phần chơi này, các nhóm sẽ cùng “tăng tốc” trong vòng 5 phút dùng lưới ô vuông ước lượng diện tích thành phố Hà Nội. Sau đó đại diện nhóm đưa ra đáp án nhanh nhất sẽ lên thuyết trình về phần bài làm của nhóm mình.

 

 

 

Kết thúc bài học, một lần nữa các Doner lại được tham gia thử thách xếp hình Tangram, với 7 miếng ghép tạo thành một hình, 6 đội chơi sẽ phải ghép thành các hình mô phỏng cho trước từ các miếng ghép này trên bảng phụ. 3 hình được cô giáo trình chiếu gồm hình 1 – mô phỏng kiếm thần, hình 2 – mô phỏng rùa thần, hình 3 – mô phỏng tháp rùa, đây là hình ảnh gắn liền với truyền thuyết Hồ Gươm, Tháp Rùa – một trong những biểu tượng của Hà Nội. Qua đó các con lại được biết thêm trong thực tế có nhiều hình khác nhau cũng có thể có diện tích bằng nhau.

 

 

Ngoài việc học có tính ứng dụng thưc tế cao, các con còn được thực hành thuyết trình, thảo luận nhóm và học trực tuyến trên trang kahoot.it, được thỏa sức sáng tạo với trò chơi xếp hình tangram – một trò chơi trí tuệ rất phổ biến hiện nay. Tiết học với không khí vừa học vừa chơi vừa khám phá – học đi đôi với hành diễn ra vô cùng hào hứng và sôi nổi đã đem lại sự thích thú trong tâm trí mỗi học trò, khiến các con không còn cảm thấy toán học khô khan và xa rời thực tế, đồng thời đem lại cái nhìn mới mẻ trong việc đổi mới phương pháp dạy học hiện nay. Tiết học đã diễn ra thành công tốt đẹp, để lại ấn tượng sâu sắc với mỗi thầy cô đến dự và được các thầy cô giáo trên địa bàn quận về dự đánh giá rất cao. Chúc cho mỗi giờ dạy đều sáng tạo không ngừng, chúc cho các Doner ngày một hứng thú hơn trong học tập.

 



Xem bài viết trên fanpage:

 

 

—————————————————-
TRƯỜNG THCS & THPT LÊ QUÝ ĐÔN
Lô 1 – A2, đường Hàm Nghi, phường Cầu Diễn, Quận Nam Từ Liêm
– Điện thoại: (84-24) 6287-4190
– Fanpage: www.facebook.com/thcs.lequydonhanoi.edu.vn
– Website: http://thcs.lequydonhanoi.edu.vn/

BAN BIÊN TẬP 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *