STEM – Cánh cửa bước vào kỷ nguyên số từ ghế nhà trường

(LQĐ) – Giáo dục STEM là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng kiến thức tổng hợp để giải quyết vấn đề. Tại Lê Quý Đôn, mỗi tiết học STEM đã trở thành một phòng thí nghiệm thực sự mở lối sáng tạo cho học sinh.

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, STEM là định hướng giáo dục tích hợp giúp học sinh vận dụng kiến thức Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học để giải quyết những vấn đề trong bối cảnh cụ thể. Tại Lê Quý Đôn, điều này được hiện thực hóa thông qua các tiết dạy STEM được thiết kế bài bản, gắn với thực tiễn và liên tục cập nhật xu hướng công nghệ mới.

Giờ học STEM luôn cuốn hút và khơi gợi trí sáng tạo của học sinh.

Giáo dục STEM không chỉ mang đến những tiết học tích hợp kiến thức liên môn, mà còn mở ra cánh cửa để học sinh tiếp cận với công nghệ hiện đại, đặc biệt là với yêu cầu từ Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, học sinh được làm quen với các thiết bị cảm biến – bước tiến mới trong hành trình chinh phục tri thức và sáng tạo công nghệ. Tại Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn, năm học 2024–2025 đánh dấu một bước chuyển mình mạnh mẽ khi học sinh chính thức được tiếp cận và ứng dụng mạch điều khiển và các loại cảm biến hiện đại vào các dự án học tập thực tiễn.

Để học sinh được làm quen và sử dụng mạch điều khiển và các loại cảm biến thông minh chỉ xuất hiện trong các phòng thí nghiệm hoặc lĩnh vực nghiên cứu công nghệ cao như cảm biến ánh sáng, cảm biến nhiệt độ, cảm biến độ ẩm… Từ đó, các em có thể chế tạo ra những sản phẩm hữu ích phục vụ đời sống như mô hình nhà thông minh, hệ thống đèn – quạt tự động, hay hệ thống tưới cây thông minh.

Dưới sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Đăng Long , học sinh lớp 8 đã triển khai dự án sáng tạo các sản phẩm liên quan đến mạch điều khiển và ứng dụng cảm biến. Không còn là lý thuyết khô khan, các em đã bắt tay vào lập trình và lắp ráp hệ thống điều khiển: đèn tự động sáng khi trời tối nhờ cảm biến ánh sáng; quạt tự bật khi nhiệt độ trong phòng vượt ngưỡng nhờ cảm biến nhiệt; cây tự động được tưới nước khi đất khô thông qua cảm biến độ ẩm.

Đèn thông minh tự sáng khi trời tối do học sinh chế tạo.

Chia sẻ về trải nghiệm học tập mới mẻ này, em Nguyễn Thảo Nguyên (lớp 8G2) cho biết: “Em cảm thấy vô cùng hứng thú khi được trực tiếp làm việc với các thiết bị cảm biến hiện đại. Qua những tiết học STEM, em đã hiểu cách các thiết bị thông minh trong nhà hoạt động, và đặc biệt là được tự mình lắp ráp, lập trình để tạo ra sản phẩm thực tế.”

Bạn Trần Ngọc Thùy Dương bày tỏ: “Từ những linh kiện cơ bản, tụi em được thầy hướng dẫn cách sử dụng và hiểu được nguyên lý của mạch điều khiển và từng loại cảm biến. Điều thú vị là tụi em hoàn toàn có thể tự mua linh kiện ngoài thị trường và chế tạo ra sản phẩm thông minh theo ý tưởng riêng.”

Thầy giáo Nguyễn Đăng Long trong một tiết dạy STEM.

Theo thầy Nguyễn Đăng Long, việc đưa STEM vào các bài học, không chỉ giúp học sinh rèn luyện tư duy logic, phát triển kỹ năng công nghệ mà còn tạo tiền đề cho các em tiếp cận với các ngành học mũi nhọn trong tương lai. “Các con không chỉ học về điện tử hay lập trình, mà còn hiểu rõ bản chất hoạt động của hệ thống tự động hóa – nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0,” thầy nhấn mạnh.

Thêm vào đó, thông qua mỗi dự án STEM, học sinh còn được rèn luyện nhiều kỹ năng mềm quan trọng như: làm việc nhóm, tư duy phản biện, thuyết trình trước đám đông và đặc biệt là ý thức trách nhiệm với sản phẩm của chính mình.

Học sinh Nguyễn Chí Thăng (8E4) và Lê Hồng Anh (8E2) giành giải Nhất Hội thi Nghiên cứu KHKT dành cho học sinh THCS quận Nam Từ Liêm với dự án Mũ bảo hiểm thông minh tự bật đèn xi-nhan khi nghiêng đầu.
Học sinh Lưu Khoa Nam và Phạm Trần Hiếu (10D1) giành giải Ba tại Hội thi KHKT học sinhTHPT Cụm Nam-Bắc Từ Liêm với dự án “Bộ thiết bị phát hiện và cảnh báo học sinh bị bỏ quên trên xe ô tô.”

Với định hướng đổi mới mạnh mẽ, chú trọng đưa công nghệ vào từng giờ học, giáo dục STEM tại Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn đang thực sự trở thành chiếc cầu nối đưa học sinh từ ghế nhà trường bước thẳng vào kỷ nguyên số – nơi mà cảm biến không còn là công nghệ xa lạ, mà là công cụ để các em kiến tạo tương lai.

Năm học 2024-2025, Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn đã giành giải Nhất tại Hội thi Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh THCS quận Nam Từ Liêm với dự án “Mũ bảo hiểm thông minh tự bật đèn xi-nhan khi nghiêng đầu”; giải Ba tại Hôi thi Khoa học kỹ thuật học sinh THPT cụm Nam-Bắc Từ Liêm với dự án “Bộ thiết bị phát hiện và cảnh báo học sinh bị bỏ quên trên xe ô tô”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *