Thầy Nguyễn Quốc Bình (bên trái) khi còn là một chiến sĩ
Ngọc Diệp: Thưa thầy, chúng con được biết rằng thầy đã từng là một người lính. Vậy thầy có thể cho chúng con biết thầy nhập ngũ vào thời điểm nào và cảm xúc của thầy khi được làm một người lính không ạ ?
Thầy: Tôi có được may mắn khi tham gia cuộc kháng chiến chống quân xâm lược ở biên giới phía Bắc. Những ngày tháng ở trong quân ngũ là những kỷ niệm đẹp đẽ nhất của đời tôi. Khi nhập ngũ tôi mới 18 tuổi và vừa tốt nghiệp THPT. Tôi hiểu rằng, cuộc sống của người lính chắc chắn sẽ gian khổ. Nhưng được lên đường chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc thì tôi và những đồng đội của tôi vô cùng sung sướng, hạnh phúc và tự hào.
Ngọc Diệp: Chúng con đang được sống trong hòa bình, chiến tranh đối với chúng con chỉ là những thước phim, những câu chuyện, những bài hát mà xem xong, đọc xong, nghe xong có thể cũng chẳng còn đọng lại trong chúng con được bao nhiêu. Vậy nhân buổi sinh hoạt ngày hôm nay, thầy có thể cho chúng con hiểu thêm về những gian khó của chiến tranh để chúng con thêm nâng niu, trân trọng những gì mình đang có không ạ ?
Thầy: Tôi ở trong quân ngũ hơn 13 năm. Có lẽ, chiến tranh là không ai muốn, vì chiến tranh là đau thương, là mất mát. Nhưng vì cuộc sống bình yên của Tổ quốc thì những người lính vẫn phải ra chiến trường. Thưa các thầy cô và các em thân mến! Có lẽ những năm tháng ở trong quân ngũ cũng cho tôi hiểu thêm thế nào là chiến tranh. Thời gian đó sau năm 1975, đất nước vẫn còn rất nhiều khó khăn, những người lính chủ yếu sống ở trên biên giới rất lạnh, chỉ có những chiếc áo trấn thủ để chống rét. Những ngày lạnh làm gì có nước nóng để tắm. Chúng tôi phải đốt ở cạnh suối một đống lửa để tất cả chạy vòng quanh đống lửa ấy, nhảy xuống suối xong lại chạy lên, rất là rét. Và tất nhiên ăn thì đói rồi. Chúng tôi chốt ở trên biên giới, nằm ở những căn hầm đào nửa chìm nửa nổi, hàng ngày phải trực chiến, vừa đói vừa rét, lúc nào cũng phải trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Trong những lúc như vậy chúng tôi luôn nhớ về gia đình, nhớ về cha về mẹ, về anh chị em ở nhà. Và nỗi nhớ nhà lại cồn cào, da diết.
Ngọc Diệp: Thầy có thể kể lại một vài kỷ niệm đáng nhớ của thầy khi còn ở trong quân ngũ được không ạ?
Thầy: Tôi nhớ nhất kỷ niệm lần từ biên giới về thăm nhà. Đi mất hơn một ngày nhưng về nhà chỉ được chưa đầy hai tiếng lại phải trở lại ngay trên biên giới vì thời gian không cho phép ở lại lâu. Mỗi khi nhớ lại kỉ niệm đó thì trong tôi lại tràn đầy những cảm xúc không thể nói lên lời. Rưng rưng xúc động, lòng yếu mềm nhưng vẫn cực kì kiên quyết.
Hôm nay, tôi vừa nhìn thấy các em học sinh đóng vai các cô, chú bộ đội và những hình ảnh ấy lại trở về trong tôi thật là đẹp, thật là lãng mạn. Nhưng thực tế trong chiến đâu không phải như vậy. Ở trên biên giới lúc vận chuyển lương thực, đạn dược, rồi hành quân lên trên đó để làm đường vô cùng vất vả. Trong những ngày mưa núi bị sạt. Tôi vẫn nhớ hôm chúng tôi vận chuyển đạn dược có 3 chiến sĩ nữ đã hy sinh, bị đất vùi lấp, lúc đó họ mới chỉ 18 tuổi. Vì lượng đất đá quá lớn, không thể làm gì được nên chúng tôi chỉ biết dùng cuốc xẻng đào bới, đào từ lúc chập tối cho đến quá nửa đêm mới có thể tìm thấy xác của 3 cô bộ đội bị đất đá vùi lấp và tôi là người trực tiếp phải làm công tác chính sách đối với 3 người chiến sĩ đó. Hình ảnh của những người chiến sĩ hy sinh vì đất nước, đặc biệt là hình ảnh của 3 nữ chiến sĩ hôm đó vẫn luôn in đậm trong tôi. Tôi mong muốn chúng ta làm được điều gì đó để tri ân những người chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ Quốc. Xin cảm ơn thầy cô và các em!
Ngọc Diệp: Con thay mặt toàn thể các bạn học sinh trong trường xin chân thành cảm ơn thầy đã giành thời gian cho buổi trò chuyện vô cùng hữu ích với chúng con ngày hôm nay. Xin chúc thầy sức khỏe và bình an trong cuộc sống!
BAN BIÊN TẬP