CHƯƠNG TRÌNH NGOẠI KHÓA: “VĂN HỌC VÀ CUỘC SỐNG”
Thông qua các hình thức sân khấu hóa tác phẩm văn học như kịch, rap ca dao, múa, trình diễn thời trang nhân vật văn học,… các con học sinh đã thể hiện tài năng diễn xuất như những nghệ sĩ thực thụ.Trên sân khấu của trường THCS & THPT Lê Quý Đôn, Doners đã tái hiện một ông Giuốc-đanh, một Xuân Tóc Đỏ, một Thị Màu, một Chí Phèo – Thị Nở,… bằng xương bằng thịt, sống động, chân thực và gây ấn tượng mạnh cho người xem.
Mở đầu là tiết mục Rap- Ca dao. Những thế hệ đi trước vốn biết đến ca dao là những lời thơ dân gian thể hiện tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước, về những đạo lí tốt đẹp của dân tộc… Không chỉ dừng lại ở đó, các bạn học sinh trường Lê Quý Đôn đã thổi hồn vào nghệ thuật dân gian, đem hơi thở của cuộc sống hiện đại vào trong những điều tưởng như xa xưa ấy để làm mới, làm khác đi nhưng vẫn giữ nguyên được giá trị cốt lõi của văn hóa.
Tiếp theo là vở kịch Ông Giuốc – đanh mặc lễ phục với phần nhập vai rất ngọt của các bạn học sinh lớp 9. Với kinh nghiệm của các anh chị cuối cấp, các con đã rất tự tin trên sân khấu, diễn xuất có hồn, mang lại tiếng cười và nhận được nhiều tràng pháo tán thưởng của khán giả.
Tiết mục múa Bánh trôi nước trên nền nhạc vừa dân gian, vừa hiện đại đã tái hiện vẻ đẹp nhẹ nhàng, dung dị của người phụ nữ Việt đồng thời gợi lên một sức sống tiềm ẩn nhưng đầy mãnh liệt ở họ.
Đặc biệt, nhà trường đã mời các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam về biểu diễn một trích đoạn của vở chèo Quan Âm Thị Kính. Tiết mục đã giúp các bạn học sinh trường Lê Quý Đôn không chỉ gặp nhân vật Thị Kính, trong SGK mà trực tiếp cảm nhận được nỗi bất công, oan nghiệt của nhân vật thông qua phần biểu diễn sống động của các nghệ sĩ.
Hoài Thanh nhận định: “Văn chương là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng”, còn Nguyễn Minh Châu viết: “Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người”. Những nhân vật trong văn chương đều lấy chất liệu từ con người thực tế, mỗi nhân vật trong các tác phẩm là một lần người nghệ sĩ đi “đãi vàng” trong bể cuộc đời, sao cho nhân vật vừa có nét điển hình tạo đồng cảm, vừa tự thân trở thành một cá tính riêng.
Một trong những phần hấp dẫn nhất của chương trình VĂN HỌC VÀ CUỘC SỐNG là “cuộc gặp gỡ” với rất nhiều nhận vật trong các tác phẩm văn học trong qua tiết mục Trình diễn thời trang nhân vật văn học đến từ 36 lớp. Sau chương trình, thầy hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình đã chia sẻ những cảm nhận thật thú vị về tiết mục này: “ Mấy chục năm đi học và đi dạy, hôm nay tôi mới “gặp” đông đủ những nhân vật VH trong SGK chương trình phổ thông. Mới mẻ, cuốn hút và rất hiện đại…”.
Nhân vật "Bá Kiến" được biểu diễn bởi doner lớp 6
Nhân vật "Cô bé bán diêm" đến từ lớp 7M
Các nhân vật "Chí Phèo, Thị Nở" được hóa trang bởi doner khối 9
Một "Thị Mầu" quen thuộc rất điệu đà từ học sinh lớp 9E1
Nhân vật "Xuân tóc đỏ" đến từ doner khối 11
Màn hóa trang rất xuất sắc và thu hút khán giả đến từ tất cả các lớp
Tiết mục Kịch “Chí Phèo – Thị Nở” được thể hiện hết sức mới mẻ và hóm hỉnh dưới sự trình diễn của các doners cấp THPT.
Đặc biệt không gian của ngày hội được trang trí bởi những poster trong phần thi Thiết kế bìa sách văn học của 36 lớp. Với sự khéo léo, tỉ mỉ và sự sáng tạo, mỗi lớp đã đem đến dự thi một tác phẩm mang tính nghệ thuật cao, góp phần làm cho không gian của ngày hội mang đầy sắc màu. Bên cạnh đó là khu trải nghiệm trao đổi sách với chủ đề “Trao tặng sách – Nhận yêu thương” được trang trí hấp dẫn, thu hút rất đông học sinh toàn trường tham gia. Bằng việc gửi tặng một cuốn sách kèm một lời nhắn cho người bạn mà mình chưa quen, các bạn học sinh trường Lê Quý Đôn cũng sẽ nhận lại được không chỉ là một cuốn sách mà còn là thông điệp thật bất ngờ mà người tặng muốn gửi gắm.
Bên cạnh đó, không gian trưng bày của Nhà sách ACD Books cũng là một điểm đến đầy hấp dẫn trong chương trình VĂN HỌC VÀ CUỘC SỐNG.
Ai đó đã nói rằng: “Hương nhụy trong mát và ngọt lành của cuộc sống chính là văn học”. Từ bao đời nay, văn học và cuộc sống luôn có những mối quan hệ hữu cơ gắn kết khó có thể tách rời. Ví như con ong cần mẫn tìm mật ngọt cho đời, thì văn học – bằng chức năng và tác dụng diệu kì của mình đã tiếp xúc, thu nhặt những chất liệu từ cuộc sống để khám phá, tái hiện và nâng cuộc sống lên một tầm cao mới, để tìm đến những giá trị Chân – Thiện – Mĩ của cuộc đời, bởi “cuộc đời chính là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học”.Chương trình VĂN HỌC VÀ CUỘC SỐNG tuy đã khép lại nhưng còn vang mãi những dư âm lắng đọng cùng tình yêu văn chương tiếp tục lan toả.
BAN BIÊN TẬP