Học bá Thư Kỳ: Sự chủ động, quyết đoán, tự giác đã dẫn lối ước mơ

 Hãy bắt đầu bằng đôi lời giới thiệu về bản thân nào?

Xin chào, mình là Nguyễn Thư Kỳ, học lớp 9EG1. Mình là một người hướng nội, nhưng vô cùng thích trải nghiệm những thứ mới.

Chinh phục ước mơ trường chuyên đã mang đến cho bạn những cảm xúc gì?

Ban đầu mình thi trường chuyên với tâm thế muốn biết năng lực mình ở đâu so với mọi người và thực sự bài thi khó nên mình không mang nhiều hi vọng. Rồi khi nhận được tin trúng tuyển từ mẹ, đó là một cảm xúc vừa bất ngờ, vừa vui sướng. Một thành tựu lớn khiến mình thấy công sức học 4 năm không hề bị lãng phí.

Những phương pháp học nào đã giúp bạn chinh phục kỳ thi vừa qua ngoạn mục như vậy?

Phương pháp của mình đơn giản là học đủ, không quá nhiều, không quá ít. Đa số kiến thức mình có được là từ những bài học ở trường, mình phân chia phần nào quan trọng, cần nắm chắc và phần nào có thể để sau để cân bằng. Xây dựng nền tảng vững chắc từ những năm đầu, để sau này không bị dồn kiến thức và mệt mỏi vì lượng học quá tải. Từ đây, mình chỉ học thêm những môn thực sự cần sự giúp đỡ từ người chuyên môn.

Quan trọng là việc học của mình không bị cưỡng ép từ người ngoài, mình chủ động muốn học, muốn trau dồi và tìm cách khắc phục điểm yếu. Mình tự đề ra mục tiêu cho bản thân và tự giác trong việc cố gắng nỗ lực vì mục tiêu ấy. Có thể nói mình cũng may mắn vì đã được dạy dỗ trong môi trường tốt và được cho quyền tự quyết định việc học.

Bí kíp học từng môn thi trong kỳ thi Chuyên vừa qua của bạn là gì?

Với môn Tiếng Anh, bí kíp dễ đạt điểm cao nhất với mình là học từ phim, truyện trong Tiếng Anh. Khi xem và đọc nhiều, bản thân sẽ quen với những cấu trúc, hiểu rõ cách dùng từ trong những ngữ cảnh, cách phát âm từ và nhiều idioms phổ biến. Kết hợp kiến thức của sách giáo khoa sẽ càng củng cố cho nền tảng.

Với môn Văn, chăm chú nghe giảng, note lại kiến thức hữu ích vào sách vở, hoặc giấy note. Môn văn ngoài việc ghi nhớ là phần chính, còn phải có sự tư duy. Trong các bài thi, bài mình càng không chắc thì càng phải học. Đồng thời, có một quyển tài liệu tổng hợp kiến thức là một lợi thế lớn.

Với môn Toán, xây dựng kiến thức nền tảng vững chắc và luyện tập, củng cố các công thức toán là hai phần giúp nắm được điểm 7, 8. Hướng tới điểm cao hơn nữa sẽ đi kèm với nỗ lực làm quen nhiều dạng bài mới và khả năng vận dụng tất cả kiến thức được học, vận dụng sự linh hoạt, tư duy.

Trong khoảng thời gian 4 năm cấp II, đã bao giờ bạn từng bị quá áp lực trong việc học? Bạn có thể chia sẻ về thời gian đó và điều gì đã giúp bạn vượt qua khủng hoảng này?

4 năm cấp II đương nhiên sẽ không thoát khỏi áp lực. Về phía mình, trong học tập, chính vì mình có thể tự quản việc học mà mình đã từng tự tạo ra áp lực cho bản thân. Mình dành quá nhiều công sức cho bài tập, chỉ để cố giữ phong độ về điểm số và bắt kịp kiến thức, mình bị áp lực và bị gò bó bởi mong đợi của bản thân.

Nhưng bằng sự an ủi từ gia đình, bạn bè, mình học cách suy nghĩ thoáng hơn với mục tiêu của bản thân. Ngoài ra, mình học cách phân chia thời gian, sức lực hợp lí hơn. Cùng với sự nỗ lực từ trước, giai đoạn ôn tập của năm cuối cấp cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Bạn cân đối thời gian học với các hoạt động khác như thế nào?

Tùy vào lượng bài tập mà mình sẽ quyết định nên học vào giờ nào. Lịch trình hợp lí sẽ giúp mình đảm bào thời gian nghỉ ngơi để không bị quá căng thẳng. Sức khoẻ và tinh thần vẫn là đặt lên hàng đầu, vậy nên thời gian học mình tự đặt ra giới hạn nhất định. Bài tập khó, nhiều, mình sẽ làm sớm và tập trung nhất có thể. Với bài tập nhẹ, mình vẫn nghiêm túc làm, nhưng sẽ không dành quá nhiều sức lực.

Bạn có lời khuyên gì dành cho các Doners khóa dưới trong việc học tập và luyện thi?

Khi đã cố gắng hết mình, dù kết quả có ra sao, mình sẽ không cảm thấy tiếc nuối. Hãy trải nghiệm, va chạm để biết bản thân ở đâu, như vậy ta mới có thể nhận thức về khả năng của mình, từ đó phát triển, tìm cách tiến bộ đúng đắn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *