Hành trình trao đổi văn hóa tại xứ sở Kangaroo của ba nữ sinh Doners

Chúc An, Ngọc Nghi, Hồng Linh (11D0) là ba nữ sinh tài năng của trường Lê Quý Đôn vượt qua các vòng tuyển chọn gắt gao để trở thành đại diện trường tham gia chương trình trao đổi với trường Phổ thông PLC Sydney (Úc). Các em đã có một hành trình trong bốn tuần với những trải nghiệm về học tập, văn hóa cùng sự tự lập vô cùng đáng nhớ tại nước Úc xinh đẹp.

Năm nay, nhà trường lần đầu tiên tổ chức chương trình và nhận được sự quan tâm từ rất nhiều học sinh. Với Ngọc Nhi, em đã vô cùng háo hức “đến mức không thể ngủ được” khi đọc được thông tin này và tự hứa quyết tâm mang về cho mình một suất tham dự.

PLC Sydney là trường nữ sinh danh tiếng và có truyền thống lâu đời tại Úc, với chất lượng giáo dục được công nhận trên toàn thế giới. Tham gia chương trình, học sinh được chọn sẽ được tài trợ toàn bộ các chi phí sinh hoạt, học tập tại Úc, ngoại trừ vé bay may và phí visa.

Trải qua các vòng tuyển chọn khó nhằn từ phía Việt Nam và Úc, ba cái tên Chúc An, Ngọc Nhi, Hồng Linh xuất sắc nhất đã được xướng lên. Từ ngày hôm đó, cô ba cô gái không ngừng háo hức, hồi hộp chuẩn bị cho hành trình này.

Đáp lại niềm phấn khích đó, nước Úc đã đem đến cho các em những trải nghiệm không thể nào quên.

Những trải nghiệm văn hóa mới mẻ

Ngay khi hạ cánh xuống Sydney, các cô gái nhỏ đã có những trải nhiệm thực tế đầu tiên đầy thú vị mà trước giờ chỉ được biết trong môn Địa lý hoặc xem TV. Khác hẳn với mùa hè nóng nực đang diễn ra ở Việt Nam, nước Úc tháng 7 lại đang trong thời điểm mùa đông lạnh nhất. Ngọc Nhi chia sẻ mặc dù đã biết và chuẩn bị đầy đủ từ nhà nhưng em vẫn thấy thật lạ lẫm trước sự trái ngược thời tiết của hai bán cầu. Ngày hôm đó, em đã được kiểm nghiệm thực tế kiến thức địa lý này”.

Mỗi ngày tiếp theo ở nước Úc là một ngày ngỡ ngàng trước cảnh sắc, thiên nhiên, sự đa dạng chủng tộc và đa văn hóa. Dù chỉ sống trong thành phố Sydney nhưng vô vàn trải nghiệm từ thiện nhiên, con người đã in hình trong trí nhớ của các em.

“Úc là quốc gia thân thiện với thiên nhiên và vô cùng yêu mến động vật hoang dã” – đó là chia sẻ của Ngọc Nhi sau những lần cùng gia đình host tham quan các công viên, địa danh thiên nhiên tại đây.

Chưa kể trong chuyến đi, toàn bộ đoàn tham gia chương trình Exchange này gồm 16 bạn học sinh đến từ các Quốc gia khác nhau trên khắp thế giới. Đây là cơ hội để ba Doners được làm quen, kết bạn, chia sẻ văn hóa đến bạn bè năm châu.

Từ bỡ ngỡ đến tự lập

Đây là lần đầu tiên, ba Doners đặt chân tới quốc gia khác mà hoàn toàn không có gia đình bên cạnh nhưng sự đón tiếp nồng nhiệt của ba gia đình host cùng với trường PLC Sydney đã xóa nhòa khoảng cách, sự hồi hộp có phần lo sợ ban đầu.

Mỗi bạn được sống trong một gia đình riêng cùng với người bạn tại trường PLC. Nhịp sinh hoạt của gia đình host bên này tuy có hơi khác biệt, ẩm thực “đương nhiên không phải chuẩn cơm mẹ nấu nhưng chúng em rất enjoy việc thưởng thức những món ăn mới lạ. Từ sâu trong tim, em biết rằng các bác chủ nhà đặt rất nhiều tâm huyết vào món ăn để em có cảm giác như được ở nhà”.

Với An, Nhi và Linh, gia đình host đã chào đón và chăm sóc như một thành viên trong gia đình. Hồng Linh chia sẻ niềm vui khi gia đình host đã kết hợp gia đình tại Việt Nam tạo một sinh nhật bất ngờ cho em.

Các em được sinh hoạt theo nhịp sống của gia đình host, mỗi ngày tự đi phương tiện giao thông công cộng để tới trường và tham gia các tiết học tại trường cùng “buddy” – người bạn thuộc gia đình host đã được chọn.

Từ bỡ ngỡ lúc đầu, tự chúng em cũng học cách điều chỉnh, thích nghi với hoàn cảnh sống mới. Có lẽ tự lập là bài học đắt giá nhất chúng em có được sau chuyến đi này” – Hồng Linh chia sẻ.

Nền giáo dục tiên tiến thôi thúc ước mơ chinh phục tri thức

Mỗi tuần các em có ba ngày học tại trường PLC Syney, những ngày còn lại ngày nhà trường tổ chức đưa các em đi tham quan các công trình kiến trúc, địa danh nổi tiếng của Sydney như thư viện thành phố, nhà hát Opera House, ngắm cảng Victoria, thủy cung Sydney…

Ấn tượng chung của các em về giáo dục của Úc đó là việc đề cao sự thực hành và tính thực tế. Theo học tại PLC, các em nhận thấy kiến thức học thuật chính ở đây thường đi chậm hơn chương trình ở Việt Nam từ 1 – 2 năm nhưng các môn thực hành và môn nghệ thuật, thể thao rất đa dạng. Khuôn viên trường rộng lớn với trang thiết bị tiên tiến nhất giúp các em có rất nhiều hứng thú với việc học.

Khi nói về các lớp học ở đây, Ngọc Nhi hào hứng: “ở đây hầu như không còn sách giáo khoa giấy mà mọi tài liệu đều có trên ứng dụng của trường. Học sinh cũng ghi chép bài giảng bằng thiết bị điện tử chứ không phải chép tay nữa. Ở đây, giáo viên khuyến khích học sinh bằng những câu hỏi tư duy mở.”

Ba nữ sinh Lê Quý Đôn tin rằng, qua cách học ở nước bạn, các em đã có thêm cho mình một số phương pháp học mới giúp việc học chương trình tại Việt Nam hiệu quả hơn rất nhiều.

Lúc tham gia chương trình, ba cô gái An, Nhi, Linh vẫn đang là học sinh lớp 10 nên mường tượng về tương lai còn mơ hồ. Chuyến đi này đã thôi thúc các em rất nhiều về việc cần chinh phục thêm nhiều học bổng exchange để tự tin bước ra thế giới, có mục tiêu đại học rõ ràng hơn và mình hoàn toàn độc lập tự tin nếu không có gia đình ở bên.

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *