Cô giáo Lại Thị Lệ Xuân trong một tiết học về STEM
Với chuyên đề “Tích hợp trong địa lý, giúp học sinh lý giải được các hiện tượng tự nhiên một cách khoa học và văn hóa ứng phó với thiên tai”, cô Xuân đã xây dựng những bài giảng thiết thực, hữu ích và thú vị, nhằm vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho học sinh. Dựa trên bài học
“Tác động của nội lực và ngoại lực trong việc hình thành địa hình bề mặt trái đất”, cô đã tích hợp môn Địa lý với nhiều bộ môn khác, sử dụng chúng như những công cụ, nhằm mở ra cho cho các em học sinh những cách nhìn mới về thiên nhiên, về thế giới quanh ta.
Những công cụ cô trao cho chúng ta tìm hiểu, các em có thể thấy bóng dáng môn Hóa với thí nghiệm núi lửa. Ta cũng bắt gặp môn Lịch sử khi nghiên cứu tác động của sóng thần trong thời kì La Mã và Hi Lạp. Tiếng Anh là ngôn ngữ không thể thiếu khi học sinh cần phải tìm kiếm và dịch thuật những đoạn phim tư liệu nước ngoài “How to tsunami work”; cũng trong bài giảng tích hợp của mình, cô nhắc đến môn Công nghệ khi các em được học cách sắp xếp bố trí nhà cửa để hạn chế rủi ro khi có động đất, bộ môn Sinh rất đỗi quen thuộc khi các em được trồng và chăm sóc cây ở vườn trường. Cô cũng khai thác triệt để niềm đam mê của các em thông qua hoạt động vẽ tranh về một số cảnh quan Việt Nam nhờ bộ môn Mỹ thuật. Ngoài ra, những bộ môn như Vật lý, Thể dục, Ngữ văn cũng lần lượt được tích hợp trong các hoạt động của bài học.
Qua chuỗi bài học trong bộ môn tích hợp do cô xây dựng, các em có thể lý giải được một số hiện tượng tự nhiên bằng khoa học, không dựa trên mê tín, dị đoan rất rõ ràng và không còn mơ hồ, như hiện tượng núi lửa, động đất, sóng thần,…
Không chỉ là tìm hiểu, qua các hoạt động của bài học, các em còn được học và trải nghiệm văn hóa ứng phó thiên tai, đặc biệt là của trẻ em Nhật, như động đất, cháy nhà… ; được nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, được thực thi các giải pháp bảo vệ mội trường: trồng, chăm sóc cây xanh, giữ gìn vệ sinh khuôn viên trường học, ….
Các em học sinh đã rất hào hứng, tích cực vì được học Địa lý theo cách mới: lý thuyết đi đôi với thực hành. Qua các hoạt động, năng lực của các em được bộc lộ một cách tối đa và hết sức rõ nét. Bài giảng tích hợp liên môn cô Xuân xây dựng đã thay đổi cách học môn Địa lý, các em học sinh chủ động tiếp nhận kiến thức hơn, những kiến thức khoa học không trở nên khô cứng mà cuốn hút hơn bao giờ hết. Hi vọng rằng, niềm đam mê với kiến thức khoa học của các em sẽ được đốt cháy và được duy trì thông qua những bài học thú vị như thế.
BAN BIÊN TẬP