I. PHÂN BIỆT CÁC KHÁI NIỆM
– Giáo án điện tử
– Bài giảng điện tử
– Ứng dụng Công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) trong dạy học = ICT (Information and Communication Technologies in education) trong tiếng Anh, hay TICE (Technologies d’information et de communication pour l’enseignement) trong tiếng Pháp.
1. Giáo án
“Kế hoạch và dàn ý giờ lên lớp của giáo viên, bao gồm đề tài của giờ lên lớp, mục đích giáo dục và giáo dưỡng, nội dung, phương pháp, thiết bị, những hoạt động cụ thể của thầy và trò, khâu kiểm tra đánh giá… Tất cả được ghi ngắn gọn theo trình tự thực tế sẽ diễn ra trong giờ lên lớp. Giáo án được thầy giáo biên soạn trong giai đoạn chuẩn bị lên lớp và quyết định phần lớn sự thành công của bài học.”
Nguồn: http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn
2. Giáo án điện tử (giáo án có ứng dụng CNTT = ICT lesson plan = scénario pédagogique utilisant les TICE)
Giáo án truyền thống của giáo viên nhưng được đưa vào máy vi tính, giáo án truyền thống nhưng được lưu trữ, thể hiện ở dạng điện tử (trên máy tính).
Khi giáo án truyền thống được đưa vào máy tính thì những ưu điểm, thế mạnh của CNTT sẽ phát huy: lưu trữ, hình thức, chia sẻ, xử lý, quản lý…
Giáo án điện tử không bao hàm có hay không việc ứng dụng CNTT&TT trong tiết học mà giáo án đó thể hiện.
Nguồn: Những vấn đề chung về đổi mới giáo dục THCS-môn Tin học, Vụ Giáo dục Trung học-Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2007, trang 95, 96.
Khái niệm “giáo án điện tử” quen dùng trong thực tế hiện nay, nhưng trong tiếng nước ngoài (Anh, Pháp) không có khái niệm giáo án điện tử (e-lesson plan) như e-learning, e-banking hay, e-commerce, e-mail… bởi vì khi nói e-(electronic) nội hàm ý “trên máy tính và thông qua các mạng truyền thông – máy tính”.
Ví dụ: Email, e-mail: Việc truyền thư tín và các thông báo bất kì được chuẩn bị dưới dạng điện tử (trên máy tính), thông qua các mạng truyền thông – máy tính.
(Nguồn: http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn).
3. Bài giảng và bài giảng điện tử (ICT lesson = Leçon intégrant les TICE)
Nếu coi giáo án là “kịch bản” thì bài giảng được coi là “vở kịch được công diễn”. Bài giảng là tiến trình giáo viên triển khai giáo án của mình ở trên lớp.
Như vậy bài giảng điện tử là bài giảng của giáo viên được thể hiện trên lớp nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử và phương tiện CNTT&TT.
Trong tiếng Anh, Pháp, cũng không có khái niệm “bài giảng điện tử” theo nghĩa dạy học trên lớp (Computer-based Learning). Chỉ có khái niệm “Tiết dạy có ứng dụng CNTT” = “Information and Communication Technologies-based learning” (ICT), hay « “Leçon intégrant les technologies d’information et de communication” (TIC).
4. Ứng dụng CNTT&TT trong dạy học.
4.1. Các hình thức ứng dụng CNTT trong dạy học:
– Computer-based learning (dạy học dựa vào máy tính, thường trên lớp):
Bài giảng trên lớp có một số khai thác ứng dụng CNTT dưới sự hướng dẫn của giáo viên (sự tương tác người học-máy còn hạn chế).
– E-learning (computer-based training hay web-based training, học qua mạng = apprentissage en ligne):
Sử dụng máy tính và qua mạng để tự học các bài giảng mà giáo viên soạn sẵn (tính tương tác cao).
Đặc điểm của dạy học có ứng dụng CNTT là tính tương tác (interactive) giữa người học với phương tiện CNTT.
4.2. Phương tiện CNTT&TT ứng dụng cho bài giảng trên lớp thường gồm:
– Máy móc, thiết bị điện tử.
– Phần mềm trình chiếu như powerpoint (đơn giản và thuận tiện nhất) hay một số phần mềm trình chiếu khác. Đây là dạng phổ biến nhất hiện song hay nhầm lẫn gọi đây là giáo án điện tử. Vì vậy việc sử dụng powerpoint soạn bài, có thể gọi là bản trình chiếu.
– Các phần mềm dạy học như phần mềm thí nghiệm ảo…
– Các công cụ thể hiện multimedia. Một sản phẩm, một phần mềm, một thiết bị tin học được cho là multimedia khi nó cho phép khai thác thông tin đa thức, nhiều kiểu như: văn bản văn bản (text), âm thanh (sound), tiếng nói (voice), hình ảnh tĩnh (image), video-clip, hình động (animation), đồ hoạ (graphic)…
II. ĐÁnh giÁ VIỆC Ứng dỤng CNTT&TT TRONG TIẾT DẠY-HỌC (Chỉ xét ở khía cạnh ứng dụng CNTT&TT trong trong tiết day-học)
Tiêu chí đánh giá ứng dụng CNTT&TT trong tiết dạy-học |
Tính dễ sử dụng: Học sinh dễ dàng tiếp cận và tự di chuyển dễ dàng trong bài học. |
Nội dung bài học: Bài học có đủ nội dung chủ yếu, được tổ chức hợp lý, thứ tự và trình bày rõ ràng, có tính sư phạm, học sinh ghi chép được bài. |
Sử dụng multimedia: Xem xét hiệu quả của các phương tiện multimedia (text, graphic, audio, animation, video,..) trong việc hỗ trợ học tập (minh họa, mô phỏng, so sánh,..). |
Sự tương tác: Ngoài việc xem nội dung, cần bảo đảm yêu cầu tương tác với bài học thông qua các bài tập, bài thực hành nhỏ (kỹ năng kéo thả, điền vào chỗ trống, chọn câu trả lời,..), đồng thời có phản hồi kết quả nhanh. |
Tính hấp dẫn: |
Đáp ứng mục đích yêu cầu: |
Đánh giá chung: |
III. ĐÁNH GIÁ MỘT TIẾT DẠY CÓ ỨNG DỤNG CNTT&TT (Xem xét tổng thể tiết dạy-học vừa có ứng dụng CNTT&TT, vừa sử dụng các phương tiện, thiết bị khác)
Trong thực tiễn dạy học ở các trường phổ thông hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau về đánh giá chất lượng ứng dụng CNTT&TT trong dạy học. Nhiều tiết học sử dụng công cụ trình chiếu powerpoint rất hấp dẫn, nhưng hiệu quả sư phạm không cao. Học sinh chỉ theo dõi các hình ảnh chiếu trên màn hình, chưa kết hợp ghi chép vở, và tất nhiên không có các hoạt động học tập cá nhân.
Cần có những tiêu chí đánh giá tiết dạy-học có ứng dụng CNTT&TT để định hướng cho việc sử dụng CNTT&TT trong dạy học ở phổ thông.
5 tiêu chuẩn (10 tiêu chí). Mỗi tiêu chí tối đa 2 điểm.
a. Tiêu chuẩn về nội dung (3 tiêu chí)
1. 1. Chính xác về khoa học bộ môn, về quan điểm tư tưởng.
2. 2. Đủ nội dung cơ bản và đáp ứng đầy đủ mục tiêu bài học; có tính hệ thống; nhấn mạnh đúng trọng tâm.
3. Liên hệ thực tế phù hợp và có tính giáo dục; có sử dụng tài liệu minh họa cho bài giảng điện tử (phương tiện multimedia: văn bản, phim, âm thanh, phần mềm hỗ trợ…) chính xác, có ý nghĩa, sát với nội dung bài học, đúng lúc, đúng liều lượng.
Yêu cầu cụ thể:
Đánh giá việc lựa chọn chủ đề để ứng dụng CNTT&TT; có sử dụng phương tiện multimedia minh họa.
– Trong toàn bộ chương trình, không phải bất cứ chủ đề nào, bài học nào cũng phải ứng dụng CNTT&TT. Trong trường hợp chủ đề dạy học chỉ cần tới các thiết bị truyền thống thì dứt khoát không sử dụng CNTT&TT. Việc sử dụng CNTT&TT sẽ không chỉ tốn kém mà có khả năng làm giảm chất lượng tiết dạy-học. Tiết dạy-học được lựa chọn phải có tình huống dạy học ứng dụng CNTT&TT hiệu quả.
– Ngoài các slides, có các phần mềm dạy học, các phương tiện multimedia như: video-clips, hình ảnh, âm thanh, graphic… làm rõ và thể hiện được sinh động nội dung bài học, dễ hiểu, đạt hiệu quả cao cho minh hoạ, giúp học sinh khám phá, hệ thống hóa và khắc sâu kiến thức.
– Có thể có các siêu liên kết (hyperlinks) ghép nối giữa các slides, các phần mềm dạy học, các video-clips,… khéo léo, phù hợp trình tự bố cục bày dạy, làm cho bài dạy dễ hiểu, logic và không mất thời gian tìm kiếm.
– Tùy bài mà chọn dùng phần mềm dạy học và các slides chữ, hình (hình động hoặc hình tĩnh), slides sơ đồ cho phù hợp. Nội dung và dữ liệu trong các slide phải đảm bảo minh họa, khắc sâu và chốt lại hoặc hệ thống hóa được kiến thức (đặc biệt phần trọng tâm bài), hướng dẫn học sinh tìm tòi, khám phá bài học.
Phương tiện multimedia, phần mềm ứng dụng sát nội dung bài học, không lạm dụng, đạt hiệu quả cao và sinh động trong thể hiện kiến thức và dẫn dắt học sinh xây dựng bài học.
1. b. Tiêu chuẩn về phương pháp (2 tiêu chí)
4. Phương pháp dạy học phù hợp với đặc trưng bộ môn, với nội dung của kiểu bài lên lớp.
5. Kết hợp tốt các phương pháp trong hoạt động dạy và học; kết hợp tốt việc ứng dụng CNTT với các phương pháp dạy học phù hợp với nội dung của kiểu bài lên lớp.
Xem xét sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc sử dụng phương pháp đặc thù của bộ môn; tránh việc xem ứng dụng CNTT&TT là một phương pháp dạy học mới bởi vì ứng dụng CNTT&TT chỉ giúp hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy-học, ví dụ có nhiều trường hợp cần tới tổ chức hoạt động học tập cá nhân và nhóm thì giáo viên lại trình chiếu powerpoint theo kiểu dạy học đồng loạt.
c. Tiêu chuẩn về phương tiện và kỹ thuật (2 tiêu chí)
6. Kết hợp tốt việc sử dụng phương tiện cho bài giảng điện tử và các phương tiện, thiết bị dạy học khác phù hợp với nội dung của kiểu bài lên lớp (khi cần thiết).
7. Thiết kế các slide đẹp, khoa học, phù hợp với đặc trưng bộ môn; màu sắc hài hòa, phối màu giữa phông nền và chữ hợp lý, phù hợp với nội dung; hình và cỡ chữ, kiểu chữ rõ; các hiệu ứng hình ảnh, màu sắc, âm thanh được sử dụng hợp lý, không lạm dụng; bài trình chiếu có hệ thống, dễ theo dõi, có cấu trúc rõ ràng; học sinh ghi được bài.
Xem xét việc kết hợp phương tiện dạy-học truyền thống với phương tiện CNTT&TT và kĩ thuật thiết kế các slides.
– Xác định xem có phải tình huống dạy-học chỉ cần phương tiện truyền thống đơn giản rẻ tiền, mà giáo viên vẫn dùng phương tiện CNTT&TT.
– Xác định việc kết hợp nhuần nhuyễn các phương tiện dạy-học truyền thống và phương tiện CNTT&TT trong những tình huống cụ thể (khi cần thiết sử dụng các phương tiện này) vì việc sử dụng phương tiện CNTT&TT (mỗi phương tiện multimedia và phần mềm dạy học) phải có mục đích, ý đồ riêng.
– Xác định xem giáo viên có biết thao tác tốt các slides với các phương tiện multimedia và phần mềm dạy học (PMDH) sử dụng; giáo viên có biết tổ chức cho học sinh ghi chép khi trình chiếu các slides của powerpoint.
– Trình bày thẩm mỹ, rõ nét, dễ hiểu, dễ nắm, kích thích được sự hưng phấn, tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; không làm học sinh mất tập trung vào bài học bằng những phương tiện multimedia không cần thiết, chỉ thuần trang trí.
Yêu cầu cụ thể:
+ Phối hợp nhịp nhàng giữa trình chiếu với ghi bảng, ghi vở, ăn khớp giữa các slides với lời giảng, giữa hoạt động của thầy – trò với tiến trình bài dạy. Dù trên bài giảng điện tử có bố trí những slides; hoặc trên những slides có bố trí những chỗ để trình bày nội dung chính cho học sinh ghi, nhưng bảng cũng phải là nơi để giáo viên minh họa, mở rộng thêm những điều không có trong sách giáo khoa hoặc giải thích những thắc mắc của học sinh, là nơi để học sinh trình bày bài tập của mình
+ Nhịp độ trình chiếu và triển khai bài dạy vừa phải, phù hợp với sự tiếp thu của phần đông học sinh. Học sinh theo dõi kịp và ghi vở kịp.
+ Hình và chữ phải rõ, nét; cỡ chữ đủ lớn để xem; gọn lời, trình bày đẹp và có tính trực quan, thể hiện nổi bật được kiến thức.
+ Các hiệu ứng hình ảnh, màu sắc, âm thanh, chuyển động được sử dụng có mức độ, hợp lý, không bị lạm dụng, không quá tải đối với học sinh, không gây nhiễu loạn làm mất tập trung vào bài học. Các hiệu ứng không làm học sinh phân tán chú ý, không quá nhiều, sử dụng có cân nhắc đến ảnh hưởng bất lợi của nó. Ví dụ: Con chữ xuất hiện lẻ tẻ, rời rạc, chuyển động bay bướm, vòng vèo, chậm chạp; các dòng chữ chuyển động quá cầu kỳ hoặc rời rạc, lừ đừ; màu sắc sặc sỡ, loè loẹt; âm thanh ồn ào chói tai khi chuyển slide hoặc đánh dấu trắc nghiệm. Phối màu không khoa học khiến các dòng chữ mờ nhạt, khó nhìn, ví dụ: Hình ảnh và màu sắc làm nền sặc sỡ / chữ màu vàng nhạt; hoặc nền màu vàng nhạt / chữ màu vàng / nâu, khó thấy chữ.
+ Giáo viên làm chủ được kỹ thuật, thao tác nhuần nhuyễn, trình chiếu không trục trặc.
+ Khoa học trong cách thiết kế, trình bày. Các slides không quá nhiều (bình thường ≤ 30 slides /1tiết), được thiết kế khoa học, phù hợp với đặc trưng bộ môn, có tác dụng giúp học sinh suy nghĩ, tìm tòi, khám phá, luyện tập. Có phương tiện multimedia nào không thật sự cần thiết không?
+ Có bố trí những slides để trình bày nội dung cho học sinh ghi. Các slides này thường được thiết kế với màu nền, màu chữ khác với các slides khác.
d. Tiêu chuẩn về tổ chức lớp học (2 tiêu chí).
8. Thực hiện linh hoạt các khâu lên lớp, phân phối thời gian hợp lý ở các phần, các khâu.
9. Tổ chức và điều khiển học sinh học tập tích cực, chủ động phù hợp với nội dung của kiểu bài; đảm bảo tính tương tác giáo viên-học sinh, học sinh-giáo viên, học sinh-học sinh.
– Đánh giá sự phân phối thời gian hợp lý giữa các bước lên lớp, các nội dung (chính, phụ), các khâu (ôn, giảng, luyện).
– Đánh giá việc tổ chức học sinh học tập tích cực.
– Đánh giá bài giảng bảo đảm sự tương tác giữa học sinh với bài học, sự đáp ứng với tính cá thể trong bài học, có thể giúp học sinh tự học mọi lúc, mọi nơi.
+ Tổ chức hợp lý việc trình chiếu, minh họa với việc tổ chức hoạt động học tập, rèn luyện theo tổ, nhóm; điều khiển học sinh đóng góp xây dựng bài; tạo điều kiện cho học sinh tương tác với bài giảng điện tử.
+ Có các câu hỏi tương tác với bài học thông qua bài tập thực hành: Các câu hỏi được xây dựng nhằm kích thích tính động não của người học, thực hiện phương châm lấy người học làm trung tâm, chú trọng tính chủ động.
+ Có nguồn tư liệu phong phú liên quan đến bài học, tài liệu, websites tham khảo để người học tự chủ đọc thêm, nhưng trích dẫn có liều lượng thích hợp.
e. Tiêu chuẩn về kết quả, hiệu quả (1 tiêu chí)
10. Việc ứng dụng CNTT&TT giúp giáo viên tổ chức tốt hoạt động dạy học, tạo hứng thú trong học tập của học sinh, góp phần đổi mới phương pháp dạy học. Học sinh ghi được bài, đa số học sinh hiểu bài, nắm vững trọng tâm, biết vận dụng kiến thức.
Đây là tiêu chí đánh giá hết sức quan trọng. Tiêu chí yêu cầu phải xác định là hiệu quả của tiết dạy học. Học sinh hứng thú học tập hơn, thực sự hoạt động tích cực trong học tập. Kiến thức, kĩ năng đạt được qua tiết dạy học có CNTT&TT phải tốt hơn khi chỉ dạy bằng các phương tiện truyền thống.
– Thực hiện được mục tiêu bài học.
– Học sinh ghi chép được bài, hiểu bài và hứng thú học tập.
– Học sinh tích cực, chủ động tìm ra bài học.
– Học sinh được thực hành, luyện tập.
– Phát huy được tác dụng nổi bật của CNTT&TT mà bảng đen và các đồ dùng dạy học khác khó đạt được.
III. KẾT LUẬN
– Ứng dụng CNTT&TT trong dạy-học không phải là một phương pháp mới mà chỉ là sự hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy-học bằng các công cụ, phương tiện CNTT&TT. Do đó điều cần tránh là tuyệt đối không thể đồng nhất việc thực hiện tiết dạy có ứng dụng CNTT&TT với bài trình chiếu powerpoint đơn thuần.
– Cần tránh việc lạm dụng ứng dụng CNTT&TT mà không xem xét kĩ những nội dung nào cần thiết và khi nào cần thiết, hoặc loại bỏ hẵn những phương tiện khác.
– Cần tránh việc chuyển từ “đọc-chép” sang “nhìn-chép”.
– Việc ứng dụng CNTT&TT trong một tiết dạy-học không có nghĩa là thời lượng toàn bộ tiết dạy-học chỉ dành duy nhất cho ứng dụng CNTT&TT. Giáo viên cần linh hoạt sử dụng phương tiện CNTT&TT hay phương tiện truyền thống khác trong tiết dạy-học khi nào xét thấy cần thiết và hiệu quả./.