Chúng tôi nhanh chóng chia thành ba nhóm để tới ba khoa theo sự hướng dẫn của các cô chú làm công tác xã hội của bệnh viện. Trên mỗi chiếc xe đẩy là những gói bánh, những hộp sữa, những cuốn sách, những chú gấu bông nhỏ bé. Có bạn lớp tôi còn mang theo những phong bao lì xì đỏ tươi hay những lá thư xinh xinh để gửi tới các em nhỏ. Những món quà đó chẳng lấy gì là lớn lao nhưng lại chất chứa tình cảm của mỗi người chúng tôi, không ai bảo ai, chúng tôi đều tự tay chăm chút cho những món quà của mình.
Lúc đầu, vì được ra ngoài nên chúng tôi cũng vui lắm. Thế mà khi vào đến phòng bệnh, niềm vui ấy lại bay biến đi đâu mất, nhường chỗ những cảm xúc lẫn lộn khác nhau. Đây không phải lần đầu tiên tôi đi làm từ thiện nhưng lúc ấy tôi còn chưa đủ chín chắn, còn chưa đủ hiểu chuyện. Còn lần này, được hỏi han, được gửi lời chúc đến những em bé ngây thơ, đối diện với ánh mắt trong veo, với nụ cười ngây ngô của các em, trong lòng tôi lại xao xuyến những điều chẳng nói thành lời. Khi bác sĩ đến để kiểm tra và tiêm thuốc, có em gào khóc trong vòng tay mẹ, nửa đầu sau còn dán băng vì phẫu thuật, có em bị bệnh hiểm nghèo thì buồn bã, đáy mắt ánh lên vài tia tuyệt vọng, những hình ảnh đó khiến tôi thấy đáy mắt mình cay cay.
Sau khi đã trao tận tay những phần quà mình cẩn thận chuẩn bị, chúng tôi lên xe để trở về trường. Lúc này, một bạn nhóm khác đã kể với tôi: “Trong những bệnh nhân mà bọn tớ tặng quà có một em bé rất đặc biệt. Lúc đầu chúng tớ chẳng có ấn tượng nhiều với em, bởi trong bệnh viện có quá nhiều bệnh nhi. Lúc Tùng và Khuê đưa quà vào tặng cho em, em vẫn hồn nhiên nói:
– Anh ơi! Em không ăn được bánh này đâu ạ.
– Thế em đợi khi nào khỏe thì nhớ phải ăn nhé! Bánh này ngon lắm đấy!
Tùng vừa dứt lời thì người mẹ bật khóc nức nở. Lúc này chúng tớ mới chú ý thấy áo bác ấy sờn bạc và còn bị rách. Bác ấy khóc rất nhiều, cứ cầm lấy tay Tùng và Khuê mà nói “Cảm ơn” “cảm ơn” mãi. Cậu biết không, thì ra, em ấy không thể khỏi bệnh. Em cũng không thể ăn được những chiếc bánh mà chúng ta tặng. Vậy mà, em vẫn cười thật tươi, thật trong sáng.”
Sau đó, bạn còn kể cho tôi về một người chị chỉ cao chưa đến vai chúng tôi. Bố chị ấy đã nói: “ Nếu còn được đi học thì con bé có lẽ cũng đã lên lớp mười rồi ”. Cứ thế, chúng tôi chia sẻ cho nhau về những số phận, những câu chuyện đã được nghe, được chứng kiến. Tôi chẳng thể ngăn được nước mắt của mình. Các bạn, các em ở đó, người có bố mẹ thay nhau trông, người chỉ có bố, người chỉ có mẹ, hay có người đã chẳng còn được nhìn thấy những đấng sinh thành. Mỗi người trong số họ đều có những hoàn cảnh riêng của mình, nhưng suy cho cùng, phải chịu đựng những mũi kim đâm vào da thịt hằng ngày, không được chạy nhảy như những con người lành lặn, ngày ngày đối diện với bốn bức tường, với mùi thuốc nồng nặc xộc lên, là họ đã quá thiệt thòi, đã quá đủ cho những đớn đau. Tôi nhận ra, có lúc ta tuyệt vọng, ta than thở mà lại không biết rằng mình đang sống một cuộc đời mà biết bao người hằng ao ước. Cuộc sống này đâu cần gì nhiều, chỉ cần được sống trong tình yêu thương, sống một cách yên bình, khỏe mạnh, thế là đủ rồi, phải không?
Học sinh Nguyễn Thảo Anh, lớp 8E1