Phần 1: Giới thiệu chung về chương trình dạy học Ngữ văn ở trường THCS và THPT Lê Quý Đôn

Ngữ văn là môn học thuộc lĩnh vực Giáo dục ngôn ngữ và văn học. Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, trên tinh thần tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy nói chung và giảng dạy bộ môn Ngữ văn nói riêng, bắt đầu từ năm học 2021 - 2022 trường THCS và THPT Lê Quý Đôn đã thống nhất xây dựng một khung chương trình giảng dạy bộ môn Ngữ văn đảm bảo vừa triển khai được đầy đủ những kiến thức, kỹ năng cơ bản theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Sở Giáo dục Hà Nội, vừa có những cải tiến nhằm phát huy tốt nhất hiệu quả của việc dạy học Ngữ văn trong nhà trường phổ thông. Với đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, tâm huyết với nghề, năng động, sáng tạo, khả năng thích ứng nhanh, dễ dàng tiếp cận với chương trình đổi mới; công tác giảng dạy bộ môn Ngữ văn của nhà trường trong những năm gần đây đã và đang đạt được nhiều thành công khi tiếp cận mô hình dạy Ngữ văn của các nước phát triển. Điều đó được thể hiện ngay từ khâu lựa chọn sách giáo khoa cho đến việc sử dụng phương pháp giảng dạy, nội dung giảng dạy và hình thức kiểm tra đánh giá. Trong mỗi đơn vị bài học, cách thức tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh, cách khai thác ngữ liệu và tìm hiểu kiến thức Ngữ văn đều hướng đến mục đích phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học của người học, đều mang dấu ấn kinh nghiệm quốc tế nhất là từ các nước có nền giáo dục phát triển như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Australia, Hàn Quốc, Singapore,... Với môn Ngữ văn, thông qua các hoạt động dạy và học, học sinh được phát triển toàn diện về năng lực và phẩm chất: - Về năng lực: + Năng lực ngôn ngữ: thông qua các hoạt động đọc, viết, nói và nghe để vận dụng những kiến thức tiếng Việt và kiến thức văn học vào đời sống. + Năng lực văn học: Nắm được kiến thức lí thuyết về các thể loại văn học, biết cách đọc các văn bản có cùng thể loại ở ngoài chương trình và tạo lập văn bản theo đúng yêu cầu thể loại. + Học sinh được phát triển năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học cũng như các năng lực tự chủ và tự học, năng lực hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và năng lực sáng tạo thay vì chỉ học tập thụ động như trước đây. - Về phẩm chất: Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, qua các bài học, học sinh được hiểu sâu hơn và nâng cao ý thức tự hào về lịch sử dân tộc và văn học dân tộc, có ước mơ và khát vọng, có ý thức công dân, tôn trọng pháp luật. Học sinh có được những phẩm chất gắn với đặc thù của môn Ngữ văn như: lòng nhân ái, khoan dung, tình yêu gia đình, yêu quê hương đất nước… Trên quan điểm “văn học là nhân học”, dạy Ngữ văn là hướng học sinh tự bồi đắp để các em trở thành những con người giàu có về tâm hồn, đẹp đẽ về nhân cách, phong phú về kiến thức, biết ứng xử đúng mực trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống của thực tế đời sống xã hội. Bên cạnh phẩm chất và năng lực đặc thù, môn Ngữ văn còn hướng tới mục tiêu phát triển năng lực chung cho học sinh. Tất cả các bài học đều có nội dung kết nối với cuộc sống, đặt ra những vấn đề đòi hỏi học sinh phải có chủ kiến, biết suy nghĩ, tìm tòi, biết đưa ra các giải pháp giải quyết mọi tình huống phù hợp với đặc điểm của bản thân và những chuẩn mực xã hội. Các hoạt động được thiết kế trong các bài học giúp học sinh phát triển khả năng tự học, tạo điều kiện để học sinh được trao đổi, thảo luận nhóm và trình bày ý kiến, quan điểm, cảm xúc một cách dân chủ, cởi mở, thân thiện. Như vậy, không chỉ các phẩm chất và năng lực đặc thù mà các năng lực chung của học sinh cũng được phát triển hài hoà trong quá trình học tập. Học sinh có cơ hội vận dụng tổng hợp vốn sống, trải nghiệm cũng như kĩ năng đọc, viết, nói và nghe được tích luỹ, rèn luyện dần trong từng năm học qua các bài học, các chuyên đề, các hoạt động ngoại khóa, các dự án giàu tính trải nghiệm…tạo ra những sản phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân của mỗi em.

Phần 2. Định hướng chương trình dạy học Ngữ văn theo các mô hình lớp

Để học sinh có nhiều sự lựa chọn, từ năm học 2023 - 2024 nhà trường sẽ mở rộng các mô hình lớp học, bên cạnh thế mạnh là môn Tiếng Anh, bộ môn Toán và Ngữ văn tiếp tục được quan tâm với các mô hình lớp cụ thể như sau: - Lớp chất lượng cao (lớp H), lớp tăng cường Toán - Anh (lớp E), lớp tăng cường Tiếng Anh (lớp G), lớp tăng cường Toán (lớp M): học sinh sẽ được học 6 tiết Ngữ văn/tuần, trong đó có 4 theo chương trình của Bộ Giáo dục và 2 tiết tăng cường theo chương trình riêng của nhà trường. Với mô hình của các lớp này, môn Ngữ văn được thiết kế khung chương trình đảm bảo học sinh được trang bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng cơ bản theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó, với phương pháp giảng dạy dễ hiểu, sinh động, hấp dẫn, khoa học, hiệu quả trên tinh thần cá nhân hóa học sinh, phát triển năng lực người học, mỗi học sinh sẽ được phát huy khả năng tư duy sáng tạo, được rèn luyện để thuần thục các kỹ năng đặc trưng bộ môn như kỹ năng đọc hiểu văn bản, kỹ năng cảm thụ văn học, kỹ năng thực hành tiếng Việt… Trong quá trình học tập, học sinh cũng sẽ được tiếp cận với một nguồn tài liệu phong phú, đặc biệt là hệ thống bài tập bổ trợ nhằm củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng do chính các thầy cô giáo của nhà trường biên soạn. Các em không chỉ học tập với sách giáo khoa mà còn được tiếp cận với nguồn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa rất đa dạng theo các chủ đề và thể loại tương ứng với chương trình học tập để từ đó học sinh có thể vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào giải quyết các bài tập thực hành và tất cả các vấn đề liên quan khi tham gia vào quá trình kiểm tra, thi cử… đặc biệt là vận dụng vào thực tiễn cuộc sống. Riêng các lớp G, các tiết tăng cường học sinh còn được định hướng để tiếp cận và rèn luyện các kiến thức, kĩ năng đáp ứng đề thi vào các trường chuyên trên địa bàn Thành phố Hà Nội. - Lớp tăng cường Ngữ văn – Tiếng Anh (lớp C): Đây là năm học đầu tiên nhà trường triển khai mô hình lớp C sau rất nhiều năm giảng dạy thực tế, đúc rút kinh nghiệm. Với mô hình lớp Ngữ văn – Tiếng Anh, ngoài việc triển khai hiệu quả chương trình dạy học Ngữ văn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường đã đặc biệt chú trọng đến việc phát huy năng khiếu văn chương và khả năng tư duy ngôn ngữ của học sinh ở độ tuổi thanh thiếu niên. Lựa chọn mô hình lớp C học sinh sẽ được học 8 tiết Ngữ văn/ tuần, trong đó có 4 tiết theo chương trình của Bộ Giáo dục và 4 tiết tăng cường theo chương trình riêng của nhà trường. Bên cạnh việc được trang bị những kiến thức nền tảng một cách chắc chắn, bền vững học sinh sẽ được tiếp cận với hệ thống kiến thức mở rộng, chuyên sâu vô cùng phong phú, đặc sắc…được rèn luyện và nâng cao khả năng đọc hiểu văn bản, cảm thụ tác phẩm văn học, khả năng thực hành tiếng Việt và đặc biệt là khả năng viết văn sáng tạo…giúp học sinh có thể tự tin tham gia vào tất cả các kỳ thi Học sinh giỏi và các kỳ thi vào trường chuyên, lớp chọn hay những định hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Với quan điểm chuyển từ mô hình “chủ động cung cấp kiến thức” sang “phát triển năng lực người học”, đến với trường THCS&THPT các em sẽ được trao chiếc chìa khóa tri thức để từ đó học sinh được tự rèn luyện phẩm chất, bồi đắp tư tưởng tình cảm, trau dồi kiến thức, kỹ năng, tự kết nối những điều đã học được từ nhà trường với những trải nghiệm thực tế, mở ra những bài học sâu sắc mà các em có thể áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, giúp các em có thể học tập suốt đời và thành công trong thế giới của thời đại khoa học công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay.

Phần 1:Đặc điểm của việc dạy và học môn Toán theo chương trình cấp THCS  tại trường THCS và THPT Lê Quý Đôn

Học sinh lớp 5 lên 6 sẽ được làm quen với phương pháp học tập, phương pháp tư duy mới của cấp THCS. Bên cạnh đó, việc tiếp cận với chương trình Toán nâng cao của cấp THCS khiến học sinh bước đầu có thể gặp phải những khó khăn nhất định. Đội ngũ giáo viên Toán của trường THCS & THPT Lê Qúy Đôn được tuyển chọn và đào tạo bài bản, có năng lực vững vàng, trình độ chuyên môn tốt, luôn tiếp cận phương pháp giảng dạy tích cực và hiện đại, nhằm giúp học sinh vững vàng về kiến thức Toán học cơ bản và rèn luyện năng lực Toán học nâng cao. Ngoài chương trình của Bộ GDĐT, học sinh được học tăng cường các tiết bổ trợ theo từng chuyên đề; hệ thống bài tập theo chuyên đề từ cơ bản đến nâng cao, bám sát các dạng sách ôn luyện để rèn tốt kĩ năng cho học sinh, đáp ứng kì thi chuyển cấp, kì thi Olympic và các kì thi học sinh giỏi cũng như thi vào trường chuyên. Ngoài ra, học sinh được tham gia các tiết thực hành và vận dụng thực tế của môn Toán, giúp các con chủ động sáng tạo và yêu thích môn học. Nhà trường chú trọng việc phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi, có đội ngũ chuyên sâu lãnh đội đã đạt được nhiều thành tích qua các năm. Với những học sinh còn yếu môn Toán, Nhà trường có kế hoạch phụ đạo miễn phí và cử giáo viên giàu kinh nghiệm hỗ trợ tích cực để nâng cao chất lượng đại trà , đáp ứng các kì thi cuối cấp.

Phần 2: Thời lượng chương trình và chương trình bổ trợ môn Toán tại các khối lớp.

Lớp H (lớp chất lượng cao) Chương trình Toán tại các lớp này có 6 tiết Toán/tuần, trong đó có 4 tiết cơ bản và 2 tiết bổ trợ. Về chương trình cơ bản, học sinh được học theo chương trình của Bộ GD&ĐT với những thay đổi cập nhật về phương pháp dạy học và nội dung chương trình điều chỉnh theo quy định của Bộ. Với mỗi tiết học, thầy cô hướng dẫn học sinh chủ động tiếp thu kiến thức cơ bản một cách rõ ràng, dễ hiểu, cô đọng nhất. Nhà trường xây dựng chương trình bổ trợ phù hợp từ khối 6 đến khối 9, học sinh có kiến thức, kĩ năng đầy đủ, toàn diện để đáp ứng thi tốt các kì thi vào cấp THPT. Lớp M (lớp tăng cường môn Toán) Mục tiêu chương trình học của các lớp Tăng cường Toán nhằm giúp học sinh vững vàng về kiến thức Toán học cơ bản đồng thời duy trì niềm yêu thích Toán học, rèn luyện tư duy Toán học mạch lạc, sắc bén. Chương trình giúp rèn luyện và trang bị cho học sinh kiến thức và năng lực Toán học nâng cao để giúp học sinh tự tin tham gia và đạt thành tích tốt trong các kỳ thi học sinh giỏi Toán cấp THCS trong và ngoài nước, các kỳ thi vào các trường THPT Chuyên. Chương trình Toán cho các lớp này bao gồm 10 tiết /tuần, gồm 4 tiết Toán học theo chương trình của Bộ GDĐT và 6 tiết tăng cường mở rộng và nâng cao kiến thức theo chuyên đề. Nội dung chương trình nâng cao được Nhà trường biên soạn theo từng chuyên đề của môn học nhằm giúp học sinh tiếp cận với chuyên đề Toán nâng cao được tổng hợp từ các đầu sách mới, bám sát chương trình đổi mới và kiến thức trong các đề thi học sinh giỏi cấp Tỉnh, Thành phố và đề thi tuyển sinh của các trường THPT chuyên trên cả nước một cách có hệ thống từ khối 6 đến khối 9. Học sinh các lớp M được định hướng thêm về môn  tin học với chứng chỉ Quốc tế và định hướng chuyên sâu đáp ứng kì thi học sinh giỏi môn tin học. Ngoài ra, học sinh được phát hiện và bồi dưỡng năng lực các môn Khoa học Tự nhiên để tham gia các kì thi học sinh giỏi cấp Quận và Thành phố. 3. Lớp E (lớp tăng cường Toán-tiếng Anh) Lớp E được học với thời lượng 8 tiết toán/1 tuần, trong đó có 4 tiết bám sát chương trình của Bộ GDĐT và 4 tiết tăng cường, mở rộng nâng cao kiến thức và các kĩ năng. Các con được rèn tốt kĩ năng tư duy và kĩ năng lập luận đáp ứng kì thi vào cấp THPT. Tiết Toán học tăng cường được giáo viên hỗ trợ giúp học sinh phát triển năng lực toán tốt nhất, học sinh được tham gia trải nghiệm, thực hành và giải quyết các bài toán vận dụng thực tiễn; tiết chuyên đề được hệ thống theo các dạng bài tập vận dụng để nâng cao tính ham học và rèn tốt năng lực cho các con. Ngoài ra, học sinh được định hướng thi chuyên cho các con có năng lực Toán, Tiếng Anh tốt. 4. Lớp G (lớp tăng cường tiếng Anh) Lớp G được học với thời lượng 6 tiết toán/1 tuần, trong đó 4 tiết theo chương trình của Bộ GDĐT và 2 tiết tăng cường từ cơ bản đến nâng cao với hệ thống bài tập nâng cao phong phú. Học sinh ngoài các tiết rèn kĩ năng giải toán và lập luận còn tham gia tiết thực hành và tiết chuyên đề, học sinh được hướng dẫn khả năng vận dụng toán, đưa toán học vào thực tế. Với đặc thù của lớp tăng cường tiếng Anh, học sinh được rèn kĩ kiến thức cơ bản song song với việc nâng cao khả năng tư duy và kĩ năng nhận biết nhanh, kĩ năng làm bài tập trắc nghiệm, định hướng thi chuyên, đáp ứng kì thi vào 10 chuyên ngữ và các trường chuyên. Bên cạnh đó, học sinh được định hướng về kiến thức và kĩ năng giải quyết các bài toán bằng tiếng Anh, đáp ứng nhu cầu học sinh đi du học ở nước ngoài.

Phần 1: XU THẾ THỜI ĐẠI VÀ THẾ MẠNH TIẾNG ANH TRƯỜNG LÊ QUÝ ĐÔN

Trong thế kì XXI và đặc biệt là trong những thập niên gần đây, thuật ngữ “toàn cầu hoá” trở nên vô cùng quen thuộc trong tất cả các lĩnh vực của đời sống con người. Sự kết nối con người ở khắp mọi nơi trên thế giới khiến cho nhu cầu giao tiếp, trao đổi trở nên lớn hơn bao giờ hết. Trong xu thế toàn cầu hoá ngày nay, tầm quan trọng của Tiếng Anh là không thể phủ nhận vì nó được dùng phổ biến ở khắp mọi nơi trên thế giới, và dần được coi là ngôn ngữ toàn cầu. Đặc biệt, đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, tiếng Anh đã được giảng dạy từ rất sớm cũng như nhiều người trẻ đã nhận thức được tầm quan trọng của nó vì những lý do như tìm được công việc chất lượng cao, giao tiếp với thế giới bên ngoài, tiếp cận nguồn khoa học mà mình đang theo đuổi. Những bậc phụ huynh thời đại mới, cũng nhận ra được những cơ hôị rộng mở cho con em mình, nếu như các con có thế mạnh về ngôn ngữ, đặc biệt là Tiếng Anh. Đó cũng là lý do vì sao nhiều cơ quan giáo dục ngày nay tiến hành giảng dạy bằng Tiếng Anh, cũng như phổ cập chuẩn đầu ra ngoại ngữ (Chủ yếu là Tiếng Anh) cho sinh viên tốt nghiệp ra trường. Các trung tâm đào tạo Tiếng Anh cũng tăng nhanh, đáp ứng được nhu cầu học tập trong thời đại mới. Xu thế thời đại với mục tiêu phổ cập Tiếng Anh cho học sinh, sinh viên, chú trọng nâng cao năng lực giao tiếp, kết nối vừa là cơ hội, vừa là thử thách cho các nhà giáo dục và trường học thời đại mới. Sớm nhận ra xu thế đó, trường THCS và THPT Lê Quý Đôn, với thế mạnh đào tạo Tiếng Anh, luôn luôn thích ứng, tích cực đổi mới về giáo trình, chương trình dạy học nhằm cung cấp cho học sinh môi trường rèn luyện Tiếng Anh tốt nhất. Qua rất nhiều năm, bộ môn Tiếng Anh của trường THCS và THPT LÊ QUÝ ĐÔN luôn là một địa chỉ đáng tin cậy cho phụ huynh học sinh có nguyện vọng cho con em cơ hội nâng cao khả năng Tiếng Anh. Học sinh trường THCS và THPT Lê Quý Đôn có trình độ Tiếng Anh khá tốt khi luôn nằm trong TOP những trường có điểm đầu ra cao. Ngoài ra, ngay từ nhiều năm học trước, nhà trường đã có nhiều mô hình tiếp cận với các chương trình và các cuộc thi chứng chỉ quốc tế,  nhiều học sinh đạt kết quả IELTS trên 6.5, và rất nhiều giải thưởng quốc tế khác.

Phần 2. PHƯƠNG CHÂM GIÁO DỤC

1. TRƯỜNG THCS và THPT LÊ QUÝ ĐÔN là mô hình trường học chất lượng cao tăng cường tiếng Anh. Với phương châm luôn đổi mới phương pháp, tiếp cận các chương trình học tiên tiến nhất, mang lại lợi ích cao nhất cho người học, mô hình giảng dạy tiếng Anh của Nhà trường bao gồm 3 phân môn chính: 2. Chương trình cơ bản của bộ giáo dục và đào tạo: Nhà trường đã không ngại đổi mới, hướng đến các kĩ năng ngôn ngữ hoàn thiện nhất cho học sinh, bộ sách ENGLISH DISCOVERY của nhà xuất bản PEARSON được lựa chọn với nhiều phần học phong phú theo phương pháp giao tiếp, sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại, phát huy phẩm chất năng lực người học. 3. Chương trình IELTS dành cho học sinh các lớp E, G: với thời lượng 2 tiết/ tuần với giáo viên Việt Nam và 2 tiết/ tuần với GVNN và được đảm nhiệm bởi các giáo viên có nghiệp vụ sư phạm tốt đã có chứng chỉ quốc tế, chương trình giúp học sinh tiếp cận và xử lý các dạng bài, kĩ năng cho kì thi IELTS. Nhiều học sinh của Nhà trường đã đạt đươc những thành tích cao và có lợi thế trong việc sử dụng các chứng chỉ này xét tuyển đại học trong nước, du học và vào các trường cấp 3 trong thành phố. 4. Chương trình giáo viên nước ngoài: sử dụng 100% sách nhập khẩu từ nước nói tiếng Anh bản địa, hỗ trợ đắc lực cho HS các kĩ năng nghe, nói, viết và mức độ tăng dần giúp các con tiếp cận trọn vẹn một bộ sách tiếng Anh chính thống. Từ đó tăng cường các kĩ năng ngôn ngữ, đặc biệt 90% giáo viên nước ngoài đều là người bản địa thuận lợi tạo môi trường phát triển kĩ năng giao tiếp cho học sinh.

PHẦN III. CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHOÁ

Định hướng giáo dục của trường THCS – THPT Lê Quý Đôn là giáo dục toàn diện. Do đó, bên cạnh chương trình học tiếng Anh theo sách giáo khoa của Sở GD&ĐT Hà Nội, chương trình tăng cường, chương trình tiếng Anh với GVNN, các hoạt động ngoại khoá nhằm thúc đẩy tinh thần học tập và tạo môi trường thực hành, rèn luyện bộ môn được đặc biệt chú trọng và tổ chức thường xuyên trong năm học. Xuyên suốt học kỳ I, các hoạt động ngoại khoá của bộ môn Tiếng Anh được tổ chức với các hình thức phong phú và hấp dẫn. Tiêu biểu là English Day, thường được tổ chức vào các dịp lễ lớn như Halloween hoặc Christmas. Tham dự English Day, các Doners được trải nghiệm các chuỗi hoạt động đa dạng nhằm khai thác tối đa năng lực sử dụng tiếng Anh theo chủ đề. Bên cạnh đó, các con được tạo cảm hứng để thêm yêu thích môn học tiếng Anh qua các trò chơi thú vị và mới mẻ. Ngoài ra, học sinh Lê Quý Đôn còn được tương tác, thể hiện mình khi tham dự English Festival do quận Nam Từ Liêm tổ chức và nhiều năm liền đạt giải Đặc biệt cấp Cụm, giải Nhất cấp Quận. Hoạt động nổi bật nhất trong học kỳ II là Showcase Day do các GVNN phụ trách chính. Đây là cơ hội để học sinh các khối được tham gia hùng biện về các chủ đề mang tính thời sự. Qua đó, các con thể hiện được kĩ năng nói tiếng Anh tuyệt vời của mình cũng như có cơ hội được cọ sát với các học sinh thuộc các khối khác nhau trong trường. Các dự án môn học cũng được thực hiện thường xuyên ở cấp độ nhóm, lớp học do các học sinh thực hiện chuẩn bị và thuyết trình, tăng khả năng nói tiếng Anh của các con học sinh và sự tự tin qua mỗi tiết học. Đội ngũ MC tiếng Anh của học sinh trong Nhà trường kết hợp với chương trình bồi dưỡng MC nói chung được thực hiện với sự hướng dẫn và chỉ bảo tận tình của các thầy cô giáo luôn phát hiện và bồi dưỡng các tài năng từ học sinh các khối lớp. Trong các năm học, nhà trường đều duy trì hoạt động Giao lưu quốc tế với các trường học Singapore như Merian, Marsiling, Hua Yi… Học sinh Lê Quý Đôn và Singapore được tạo cơ hội học tập cùng nhau cũng như giao lưu văn hoá thông qua các hoạt động bổ ích và lý thú.

PHẦN IV. KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ

1. Kiểm tra đánh giá theo yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Nhà trường tổ chức các bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ để đánh giá năng lực Tiếng Anh của học sinh. Các bài kiểm tra thường xuyên được phân bổ đều vào các kỹ năng ngôn ngữ: Ngữ pháp, từ vựng, nghe, đọc, viết và các dự án thuyết trình kiểm tra kỹ năng nói Tiếng Anh. Bài kiểm tra định kỳ và cuối kỳ bao gồm đầy đủ các kỹ năng và có trọng số điểm đồng đều, giúp học sinh được đánh giá bao quát nhất. 2. Kiểm tra đánh giá theo yêu cầu của THCS và THPT Lê Quý Đôn Bên cạnh những bài kiểm tra theo định dạng của Sở Giáo dục và đào tạo, nhà trường tổ chức các bài kiểm tra định kỳ theo tháng: Đối với học sinh THCS là bài kiểm tra đánh giá theo định dạng đề thi vào 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; Đối với học sinh THPT là bài kiểm tra đánh giá theo định dạng đề thi tốt nghiệp THPT. Riêng lớp G của khối THCS sẽ có thêm các bài kiểm tra đánh giá theo định dạng đề thi vào 10 của các trường chuyên trong địa bàn và bài thi theo định dạng IELTS ở cuối mỗi kỳ/ năm học. Lớp D0 của khối THPT sẽ có thêm bài kiểm tra đánh giá theo định dạng IELTS ở cuối mỗi kỳ/ năm học. 3. Tham dự các kì thi học sinh giỏi trong nước và các kỳ thi quốc tế Cùng với các bài thi bắt buộc theo chương trình học ở mục 1 và 2, nhà trường liên tục cập nhật cũng như liên kết với các tổ chức trong, ngoài nước để tạo điều kiện cho học sinh được tham dự các kỳ thi uy tín khác. Đó là các kỳ thi HSG cấp Cụm/ Quận/ Thành phố: Nhà trường chú trọng chọn lọc các học sinh giỏi, tiêu biểu của từng khối để đào tạo, bồi dưỡng thêm ngoài giờ, cử học sinh tham dự, tạo cơ hội cho học sinh chứng tỏ năng lực và nâng cao thành tích cá nhân. Bên cạnh đó là các kỳ thi quốc tế: Nhà trường liên tục cập nhật các kỳ thi quốc tế, động viên tất cả các học sinh tham gia để cọ xát với các học sinh trong, ngoài nước để mở mang tầm nhìn và đẩy mạnh tinh thần, động lực học tập. Các kỳ thi mà nhà trường đã và đang liên kết tổ chức bao gồm: Toefl junior, KILC, Hippo, KET, PET, IELTS.

PHẦN V. MÔ HÌNH ĐÀO TẠO CẤP THCS

PHẦN VI. SỐ TIẾT TIẾNG ANH VÀ ĐỊNH HƯỚNG CHUẨN ĐẦU RA CẤP THCS