Chìa khóa để mở cánh cửa đa nghĩa của tác phẩm văn học

 

Học văn có thú vị không?

Tất nhiên, học văn rất thú vị rồi! Bởi trong mỗi giờ học văn, chúng ta được tìm hiểu sự giàu đẹp của tiếng Việt, được làm quen với những nhà thơ, nhà văn đến từ nhiều vùng đất, nhiều thời đại khác nhau, được đến với thế giới diệu kì của những tác phẩm văn học nổi tiếng, được rèn luyện để cảm thụ cái hay, cái đẹp của văn chương, được học để có những kĩ năng bổ ích…

 

 

 

Nhưng, học văn có khó không?

Nếu đặt câu hỏi này cho bất cứ bạn học sinh nào, thì tôi tin chắc đến 90% câu trả lời của các bạn sẽ là “khó” hoặc “rất khó”!

Bởi các tác phẩm văn học được dệt nên bởi ngôn từ, mà ngôn ngữ thì các bạn biết đấy, nó không đơn giản như phép tính 1+1=2. Ngôn ngữ văn học rất đa nghĩa. Vậy nên, để hiểu thấu đáo một tác phẩm văn học thật không đơn giản chút nào!

Hiểu được những khó khăn đó của các bạn học sinh, các thầy cô giáo của nhóm Ngữ văn lớp 7 đã thực hiện một chuyên đề mang tên: “Tìm hiểu tính đa nghĩa của hình tượng thơ qua việc đọc – hiểu các văn bản trong chương trình Ngữ văn 7”. Chuyên đề đã được cô Vũ Thị Hiên dạy minh họa với việc tìm hiểu một bài thơ nổi tiếng của nữ sĩ tài hoa Hồ Xuân Hương – bài thơ “Bánh trôi nước”. Các bạn học sinh lớp 7E2 đã có một tiết học rất sôi nổi với nhiều hoạt động thú vị.

 

 

Tiết học mở đầu với những giai điệu quen thuộc của bài hát “Bánh trôi nước”. Chỉ nghe một đoạn nhạc chưa đến 20 giây, các bạn học sinh đã đoán ngay được tên bài hát rồi. Ai ai cũng háo hức trước câu hỏi gợi mở của cô giáo: “Điều kì diệu gì đã khiến một bài thơ ra đời cách đây hàng trăm năm lại được các bạn trẻ tiếp nhận một cách hào hứng như vậy ?”

 

 

Giờ học tiếp tục với nhiều hoạt động thú vị khác. Các bạn học sinh đã tự mình tìm hiểu và trình bày những thông tin xoay quanh bài học như những thông tin về tác giả, tác phẩm, sưu tầm những tác phẩm văn học đa nghĩa hay tìm hiểu về hình ảnh chiếc bánh trôi nước được thể hiện trong bài thơ… Những thông tin đó được các bạn chia sẻ với nhau dưới nhiều hình thức phong phú và sinh động như sơ đồ tư duy, trình chiếu, clip…

 

 

 

 

 

Dưới sự dẫn dắt uyển chuyển của cô giáo, những lớp nghĩa sâu sắc của bài thơ lần lượt được làm sáng tỏ tự bao giờ! Các bạn không khỏi trầm trồ thán phục tài năng của nhà thơ Hồ Xuân Hương, cũng như một lần nữa thêm tự hào về sự tinh tế của ngôn ngữ dân tộc.

Qua tiết học, các bạn học sinh không chỉ được tìm hiểu cái hay, cái đẹp của bài thơ Bánh trôi nước, mà còn rút ra được cách thức giải mã một tác phẩm văn học đa nghĩa. Tất cả diễn ra thật nhẹ nhàng, tự nhiên. Thật tuyệt phải không nào?

 

BAN BIÊN TẬP

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *