Cảm xúc ngày Tết qua những bài văn hay của học sinh

 

 

 

NHỮNG KHOẢNH KHẮC DIỆU KÌ ĐANG GÕ CỬA MUÔN NƠI

Tết cổ truyền của người Việt Nam ta luôn mang một hương vị riêng biệt, bắt đầu từ những phút giây chuẩn bị. Tối ngày 28, 29 Tết, cả gia đình ngồi quây quần bên nồi bánh chưng bốc khói nghi ngút, cùng nhau kể lại những câu chuyện mà mình đã trải nghiệm trong năm vừa qua. Ngọn lửa đỏ rực sáng bừng góc sân, tỏa nhiệt ấm áp làm hồng những đôi má, như những bông hoa đào đang khẽ cựa mình đu đưa theo cơn gió nơi hiên nhà. Tết gắn kết tất cả các thành viên của gia đình lại với nhau. Những ngày cuối năm thường mang lại cảm giác tấp nập vội vã, bởi chẳng còn bao lâu tất cả sẽ đón chào năm mới đến. Thế nhưng đến khoảnh khắc giao thoa của năm mới và năm cũ, tôi cảm nhận thời gian như chậm hẳn lại, để cho chúng ta có một khoảng ngưng đọng, ngồi bên nhau chờ đợi giây phút con số trên đồng hồ điểm bốn số không. Từng tràng pháo hoa hiện lên giữa bầu trời, mang theo tiếng nổ giòn giã âm vang và những sắc màu sặc sỡ. Dưới những hạt mưa xuân lấm tấm, người người nhà nhà trao nhau những nụ cười hạnh phúc, chúc nhau những lời chúc tốt đẹp, một năm mới tràn đầy niềm vui và phấn khởi. Tôi thường đứng trên sân thượng, cảm nhận cơn gió khẽ thổi bay mọi muộn phiền trong năm cũ, để lại trong tâm hồn một sự man mát dịu dàng, rửa sạch những lo toan và tạo một khoảng trống mới cho sự khởi đầu của một năm với những dự định và ước mơ to lớn. Đâu đó trong tôi thấy sự khác lạ trong bầu không khí, dường như khoảnh khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ có một phép màu diệu kì, hô biến cho tất mọi thứ bỗng mới mẻ và rực rỡ, như một món quà được gói cẩn thận bằng giấy bóng đỏ vừa được mở ra, buộc ta phải nâng niu và giữ gìn nó.

 

 

Một năm với biết bao điều lại qua đi, để một năm mới đến, cho ta có thêm một lần được thực hiện những gì dang dở, những gì ta chưa hoàn thành với khả năng tốt nhất. Xin kính chúc mọi người năm mới an khang thịnh vượng, sức khỏe dồi dào, vạn sự như ý, một năm với những dự định và ước mơ được trở thành hiện thực. Chúc mừng năm mới, năm Mậu Tuất!

HS Vũ Thị Ngọc Linh – 8E2

 

MÂM CƠM NGÀY TẾT

Xuân về khoác cho vạn vật màu áo mới, Tết đến mang luồng không khí tràn đầy sức sống cho mọi nhà. Và không khí tuyệt vời ấy sẽ chẳng được trọn vẹn nếu ngày Tết cổ truyền thiếu đi những mâm cơm ngọt ngào hương vị.

 

 

Dù là mâm cơm ngày ba mươi sum họp hay ngày mùng một hân hoan thì nó đều tươm tất nhờ bàn tay khéo léo của bà và mẹ. Những người phụ nữ của gia đình phải chọn lựa những thực phẩm tươi ngon nhất, rồi phải dậy từ sớm vo gạo, đồ xôi, chế biến thức ăn, từng công đoạn được họ chăm chút để những người họ yêu thương có được bữa ăn vui vẻ và đầm ấm.

Nhắc đến những món ăn ngày Tết, ai mà quên được bánh chưng xanh với thịt mỡ, dưa hành, ai mà quên được vị ngọt của miếng gà luộc nức mũi, ai mà chẳng nhớ đến hương vị đậm đà, tươi ngon của giò lụa hay giò xào, ai mà không nhớ tới chả nướng thơm lừng cả gian bếp hay nem rán giòn rụm, vàng ươm kích thích cả thị giác lẫn vị giác. Mâm cơm ngày Tết thơm ngon không thể thiếu một, hai đĩa rau củ luộc, vừa đảm bào về dinh dưỡng, vừa thêm những màu sắc tươi mới cho mâm cơm. Cùng với đó, món canh măng nấu với miến dong, thêm chút mộc nhĩ nấm hương và chút rau mùi băm nhỏ là một món ăn cũng rất đặc trưng của ngày Tết.

Mâm cơm ngày Tết sau khi hoàn thành sẽ được đưa lên bàn thờ, thờ cúng tổ tiên rồi hạ xuống để các thành viên trong gia đình cùng thưởng thức. Bữa cơm là dịp để chúng ta chia sẻ với nhau những niềm vui, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện của bản thân trong suốt 365 ngày qua. Trong bữa cơm, ta cũng gửi trao nhau những lời chúc cho một năm mới tràn đầy hạnh phúc, niềm vui và thành công trong cuộc sống, đó cũng là cơ hội để các thành viên trong gia đình xích lại gần nhau hơn.

                                                            Học sinh Nguyễn Thùy Dương – Lớp 9a3

 

XIN CHỮ ĐẦU NĂM – MỘT NÉT ĐẸP CỦA TÂM HỒN NGƯỜI VIỆT!

Mỗi người Việt Nam chúng ta có lẽ đều thấy trong lòng bâng khuâng, xao xuyến mỗi khi nghe những câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên – những câu thơ gợi lên hình ảnh thân quen mỗi khi Tết đến xuân về:

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua”.

 

 

Từ xưa đến nay, xin chữ đầu năm là phong tục tốt đẹp của người dân Việt Nam. Người ta xin chữ treo trong nhà ngày xuân với mong ước về một năm mới với nhiều điều may mắn, hạnh phúc cùng sức khỏe và thành công. Mỗi chữ thư pháp lại mang trong mình ý nghĩa khác nhau. Đi cùng với đó là hình ảnh ông đồ già trong bộ trang phục truyền thống đi những nét bút táo bạo, sắc nét và đầy cá tính, “như phượng múa rồng bay”. Là những người được kính trọng trong xã hội, những ông đồ luôn tìm cách cải tiến nét chữ, nét bút. Đã từng có câu chuyện về một người đàn ông đến gặp một ông đồ trong 21 năm, nhờ ông mỗi năm viết một chữ “Vì” với 21 kiểu khác nhau. Điều đó cho thấy tài năng của những thầy đồ, cũng như sự biến hóa đa dạng của chữ thư pháp.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, việc xin chữ đầu năm đã có nhiều thay đổi. Những thầy đồ thời @ giờ ngồi trong những ki-ốt với mái che, xung quanh là những thiết bị điện tử và những dụng cụ viết chữ. Tuy vậy, những nét chữ thư pháp vẫn rất tài hoa, bay bướm và mang giá trị nghệ thuật cao. Những người đến xin chữ vẫn chăm chú theo dõi từng nét bút với sự háo hức và phấn khởi.

Xã hội ngày càng đổi mới, con người ta có thể tìm đến những thú vui khác trong cuộc sống. Mặc dù vậy, phong tục xin chữ đầu năm vẫn mãi là một nét đẹp không thể phai nhòa trong văn hóa truyền thống của người Việt!    

            HS Ngô Minh Kiên – 9A3

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *