Nhan đề: Tố Hữu thơ và đời
Tác giả: Nhóm Trí Thức Việt tuyển chọn và giới thiệu
Nhà xuất bản: Nhà xuất Văn học
Số trang: 258 trang
Khổ: 21cm
Tố Hữu, tên thật là Nguyễn Kim Thành. Ông là một nhà thơ lớn, nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng của dân tộc. Ông được tôn vinh là “nhà thơ của cách mạng”, “nhà thơ của nhân dân”. Hơn 60 năm sáng tác, ông đã để lại một di sản văn chương vô giá cho dân tộc Việt Nam.
Cuốn sách “Tố Hữu thơ và đời” do nhóm Trí thức Việt tuyển chọn, được Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2012, in trên khổ giấy 13 x 20.5 cm sẽ giúp các bạn hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của nhà thơ Tố Hữu – “cây đại thụ” trong làng thơ cách mạng Việt Nam.
Với độ dày 258 trang, nội dung cuốn sách được chia làm hai phần.
Phần 1 (Tác phẩm): Tuyển chọn những bài thơ tiêu biểu, đặc sắc nhất của Tố Hữu trong suốt hành trình sáng tác gồm các tập thơ: Từ ấy (1937-1946), “Việt Bắc” , (1947 – 1954), “Gió lộng” (1955 – 1961), “Ra trận” (1962 – 1971), “Máu và hoa” (1972 – 1977). Mỗi tập thơ của ông đều gắn liền với từng chặng đường cách mạng của dân tộc Việt Nam.
Từ ấy, (1937-1946) là tập thơ đầu tay của Tố Hữu viết trong hoàn cảnh đất nước còn trong tình cảnh nô lệ. Ở phương diện nghệ thuật, Từ ấy trở thành một trong những thành tựu của văn học cách mạng Việt Nam. Tố Hữu đã kết hợp được giữa nghệ thuật và cách mạng, giữa người chiến sĩ và thi sĩ, góp phần vào tiến trình đổi mới thi ca hiện đại Việt Nam. Từ ấy gồm 71 bài thơ tập hợp trong 3 phần tương ứng với ba giai đoạn lịch sử: Máu lửa (27 bài), Xiềng xích (30 bài) và Giải phóng (14 bài), ghi lại một thời kỳ lịch sử cách mạng của nhân dân Việt Nam, thông qua chặng đường hoạt động 10 năm của người thanh niên cộng sản Tố Hữu.
Con chim non rũ cánh
Đi tìm tổ bơ vơ
Quanh nẻo rừng hiu quạnh
Lướt mướt dưới lòng mưa
Con chim non chiu chít
Lá động khóc tràn trể
Chao ôi buồn da diết
Chim ơi biết đâu về?
(Trích trong bài Mồ côi – Tập thơ Từ ấy)
Nếu Từ ấy là “tiếng ca của một người thanh niên, một người cộng sản”, nói như Hoài Thanh, thì Việt Bắc (1947-1954), Gió lộng (1955-1961), Ra trận (1962-1971), Việt Nam – Máu và Hoa (1972-1977) là bản hợp ca, rồi tráng ca của một dân tộc anh hùng không chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào, trước bất cứ khó khăn, gian khổ nào để giành cho được độc lập, tự do.
“Việt Bắc” (1947 – 1954), là bản hùng ca ngợi ca về cuộc kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ mà hào hùng, oanh liệt của quân và dân ta; ca ngợi về Đảng, Bác Hồ, về đồng bào Việt Bắc, bà mẹ nông dân, anh vệ quốc quân, chị dân công, chú bé liên lạc,…
Ai về thăm mẹ quê ta
Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm …
Bầm ơi có rét không bầm!
Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn
(Trích Bầm ơi – Việt Bắc 1948)
Gió lộng là tiếng ca vui, vừa hào sảng vừa tha thiết của đất nước trong buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là Bài ca mùa xuân … Là tư thế con người được giải phóng khỏi mọi đè nén, áp bức đang vươn lên đỉnh cao:
Chào 61, đỉnh cao muôn trượng
Ta đứng đây mắt nhìn bốn phương
Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau
“Ra trận” (1962 – 1971), “Máu và hoa” (1972 – 1977), được sáng tác trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là niềm tự hào, niềm vui chiến thắng sau ba mươi năm trường chiến đấu.
Chúng muốn đốt ta thành tro bụi
Ta hóa vàng nhân phẩm, lương tâm
Chúng muốn ta bán mình ô nhục
Ta làm sen thơm ngát giữa đầm
(Trích Việt Nam – Máu và Hoa, 1973)
Phần hai ( Tác Phẩm – Tác giả): Sách chia sẻ đến bạn đọc một số bài phê bình, những công trình nghiên cứu về thơ Tố Hữu dưới góc nhìn của những nhà thơ, nhà phê bình qua những bài viết như: “Tố Hữu – Hơn 60 năm đường thơ” (Phong Lê); “Đọc lại Tố Hữu, 2010” (Vũ Quần Phương); “Sự phát triển thể tài của thơ Tố Hữu” (Trần Đình Sử); “Mùa xuân trong thơ Tố Hữu” (Lê Thị Bích Hồng),… Mỗi tác giả đều có những nhận định riêng nhưng đều có chung nhận xét: Thơ Tố Hữu là thơ trữ tình – chính trị, giàu tính nhạc điệu, đậm bản sắc dân tộc, thấm đẫm tinh thần cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước, mang tầm vóc của lịch sử và thời đại.
Sách hiện có tại Thư viện trường THCS & THPT Lê Quý Đôn. Xin trân trọng giới thiệu.
Thư viện