Cuốn sách của tháng 3: Mãi mãi tuổi 20

 

 

Tôi đã từng đọc ở đâu đó rằng: “Thanh xuân là quãng thời gian tươi đẹp nhất trong cuộc đời. Tuổi thanh xuân ngắn ngủi nhưng mang đến cho mỗi chúng ta những trải nghiệm không thể nào quên, nếu không biết nắm bắt và trân trọng thì sẽ qua đi nhanh chóng, khiến chúng ta vô cùng hối tiếc”. Vì thế, để quãng thời gian này trải qua thật ý nghĩa và hạnh phúc thì hãy sống hết mình. Thanh xuân không phải là năm tháng mà thanh xuân chính là những cảm xúc trong tim và màu xanh của Tổ quốc hôm nay được hòa cùng màu xanh của tuổi trẻ, của biết bao thế hệ tuổi trẻ đã cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương. Họ dâng hiến tuổi trẻ của mình vì hòa bình đất nước dù có hi sinh một phần thân thể hay nằm xuống nơi đất mẹ thân yêu. Những ngọn lửa thanh xuân ấy vẫn ngời sáng vẻ đẹp tâm hồn, ước mơ và rừng rực những khát vọng.

 

 

Có một tác phẩm mà nội dung của nó là những dòng nhật ký của tác giả cho ta thấy một tâm hồn tha thiết yêu quê hương đất nước. Những dòng văn đẹp đầy cảm xúc đã thắp sáng lên khát vọng của một thế hệ thanh niên lúc bấy giờ. Tiêu biểu là chàng trai Hà Nội tuổi đời mới tròn 20 phải gác lại giấc mơ giảng đường để theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Cuốn sách “Mãi mãi tuổi 20 của tác giả Nguyễn Văn Thạc” được NXB Thanh niên ấn hành năm 2005 gồm 321tr trên khổ giấy 21cm. Ngay từ trang bìa là gương mặt điển trai với nụ cười tươi sáng của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Ảnh chụp lúc anh vừa được giải nhất học sinh giỏi môn văn lớp 10 toàn miền Bắc. Anh sinh ngày 14 tháng 10 năm 1952 tại làng Bưởi, Hà Nội trong một gia đình nghèo. Vất vả, nhưng anh thông minh nên giỏi đều tất cả các môn, anh đặc biệt có năng khiếu về môn văn. Trong khi chờ gọi nhập ngũ, Thạc đã xin thi và đỗ vào Khoa Toán – Cơ của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Vừa học năm thứ nhất, anh vừa tự học thêm để hoàn thành chương trình năm thứ 2 và được nhà trường đồng ý cho lên học thẳng năm thứ 3… Nhưng đó cũng là thời gian cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn mới. Chiến trường miền Nam ngày càng gay go và ác liệt. Hàng ngàn SV các trường đại học phải tạm ngừng việc học tập để bổ sung lực lượng chiến đấu cho quân đội. Nguyễn Văn Thạc đã nhập ngũ ngày 6-9-1971… 

 

 

 

Cuốn nhật ký bắt đầu từ 2 tháng 10 năm 1971 là thời gian đầu của cuộc đời quân ngũ. Kết thúc ngày 24 tháng 5 năm 1972 khi chuẩn bị vào chiến trường Quảng Trị. Cuốn nhật ký cùng nhiều lá thư được Thạc gửi về cho anh trai từ ngã ba Đồng Lộc. Anh hi sinh chưa đầy 2 tháng sau đó, khi chưa tròn 10 tháng tuổi quân và 20 tuổi đời. “Mãi mãi tuổi 20” cho ta thấy một thế giới tâm tư phong phú, thấy cả tâm hồn anh, con người anh – một bộ đội cụ Hồ. Trong cuốn sách, có những dòng thật bi quan, chán nản, thất vọng đến cùng cực: “Phải hết sức trấn tĩnh, tôi mới không xé hoặc không đốt đi cuốn Nhật kí này. Trời ơi! Chưa bao giờ tôi chán nản và thất vọng như buổi sáng nay, như ngày hôm nay cả… Tôi ngồi bệt xuống bờ sông, con sông cạn đanh rúc nước. Tôi vốc bùn và cát ở dưới lòng sông, và qua kẽ ngón tay tôi, nó rớt xuống, rót xuống. Tôi muốn khóc, khóc với dòng sông. Không, chẳng có ai có thể đem cho tôi được chút gì niềm an ủi hay vui sướng cả. Mọi người không hiểu được tôi, mọi người gắt gỏng với tôi. Trời ơi, lúc này tôi có thể chết ngay đi được. Có thể quên hết nỗi phiền muộn và sầu não ngập tràn cả hồn tôi thì sung sướng biết bao…”. Nhưng những dòng ấy đâu có thể lấn lướt được cái trong sáng của một tâm hồn thật nhạy cảm với những nhớ nhung da diết: “Mùa đông chưa về đến đây. Mình yêu cái chuyển tiếp giữa hai mùa này, xốn xang trong lòng nhiều kỷ niệm. Cây sâu đâu chưa nở ra những mối sầu cho mình an ủi. Chùm quả chín vàng lấm tấm trên tà áo xanh của bầu trời, nhắc mình nhớ về cái ngõ hẹp vào nhà. Ao cô Tơ còn mọc trên làn nước chùm hoa lau cho tụi con trai đánh trận hay không? Mấy cây hồng bì, cây nhãn bên sân hàng xóm có còn hay không, ngày trước, đấy là nơi tụi trẻ bán hàng và đám cưới; Cái dù vàng che cô dâu, chủ rể, giờ tơi tả khắp bốn phương. Kỷ niệm càng dâng lên và trào ra như nước mắt. Sang lạnh nhiều sương, gió táp, cây trên đồi chắc là buốt lắm, nằm nghĩ về những người thân yêu mà se sắt trái tim…

 

 

Có những lúc anh lạc quan như chính thế hệ của mình, như chính tác giả của những dòng thơ: “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim”.

 

Đặc biệt, cuốn nhật kí còn là câu chuyện tình yêu đôi lứa đằm thắm thuở ban đầu của Nguyễn Văn Thạc với người bạn gái Phạm Thị Như Anh. Tình yêu ấy đã nâng từng bước chân, từng nghĩ suy của chàng lính trẻ những lúc phới phới lên đường cũng như lúc buồn nản, chán chường. Hình ảnh Như Anh xuất hiện xuyên suốt cuốn nhật kí. Gửi lại cho người con gái anh yêu, anh viết những dòng cuối:

 

“Đêm trắng trong là đêm của em

Đèn thành phố và sao trời lẫn lộn

Đêm của anh xếp kín đầy bom đạn                                                                

Pháo sáng chập chờn trộn trạo với sao sa.”

 

Trong thư và nhật ký, khi nhớ tới Như Anh, Thạc thường nhắc nhiều và ấn tượng nhất là chiếc áo màu xanh da trời chị hay mặc. “Trời xanh thì ai nhìn cũng thấy, ngỡ như rất gần mà không thể nào với tới được!”. Có thể coi những trang nhật ký là một cuộc trải nghiệm thực tiễn vô cùng gian khổ, nhiều hy sinh, nhưng lại đầy mê say và hấp dẫn của một thanh niên trí thức Hà Nội, trong những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. 

 

 

 

 

 

“Tôi sẽ gửi về cuốn Nhật ký này, khi nào trở lại, khi nào trở lại tôi sẽ viết nốt những gì lớn lao mà tôi đã trải qua từ khi xa nó, xa cuốn Nhật ký thân yêu của đời lính.Ừ, nếu như tôi không trở lại – Ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này? Tôi chỉ ao ước rằng, ngày mai, những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn là những dòng vui vẻ và đông đúc. Đừng đề trống trải và bí ẩn như những trang giấy này.”Anh viết cái kết mở cho tương lai, cho ngày trở lại hoặc không bao giờ. Giờ đây khi đất nước đã sạch bóng quân thù và đang trên đà phát triển, ai sẽ thay Thạc viết tiếp? Với mong muốn của người đã đi xa mãi mãi, cuốn nhật ký mở ra những trang trống, cho thế hệ bây giờ và sau này, tự hào tiếp bước cha anh.

 

Tôi đã từng đọc ở đâu đó rằng: “Thanh xuân là quãng thời gian tươi đẹp nhất trong cuộc đời. Tuổi thanh xuân ngắn ngủi nhưng mang đến cho mỗi chúng ta những trải nghiệm không thể nào quên, nếu không biết nắm bắt và trân trọng thì sẽ qua đi nhanh chóng, khiến chúng ta vô cùng hối tiếc”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *