Thực hành đo diện tích đa giác và ứng dụng thực tế

 

 

Mở đầu tiết học, các bạn học sinh được tham gia trò chơi rất sôi nổi và hữu ích, trò chơi kể về cuộc hành trình của chú ếch trong câu chuyện “Ếch ngồi đáy giếng”. Chú ếch trong câu chuyện ngụ ngôn từ hàng ngàn năm nay sống trong giếng, hiểu biết cạn hẹp nhưng lại thấy mình oai như một vị chúa tể. Nhưng trong trò chơi thú vị này, ếch ta không như vậy, chú tìm mọi cách thoát ra khỏi cái giếng cạn, bằng cách không ngừng học hỏi kiến thức.

Diện tích các hình tứ giác chúng ta đã học ở lớp 5, tuy nhiên đến lớp 8 chúng ta sẽ được giải thích đầy đủ hơn về cơ sở khoa học cho các công thức đó. Các bạn 8E2 đã giúp Ếch ta trải qua 10 câu hỏi khỏ khăn một cách dễ dàng. Vậy là ếch xanh đã ra khỏi cái giếng nhưng thật không may  chú ta gặp phải một thử thách vô cùng khó khăn. Chúng ta cùng xem các bạn học sinh có giúp chú vượt qua thử thách này không nhé.

 

 

Bài học: “Tiết 36: Diện tích đa giác” sẽ trang bị thêm kiến thức cho các bạn. Để tìm hiểu bài học, các bạn trong lớp được chia làm 4 nhóm, mỗi nhóm sẽ đóng vai một công ty làm mặt sân nhân tạo và thực hiện theo các yêu cầu của bài toán thực tế trên cơ sở  sơ đồ bằng trường THCS – THPT Lê Quý Đôn. Yêu cầu đầu tiên là hoạt động nhóm để tính diện tích trường. Các bạn học sinh rất hào hứng và sôi nổi khi được tận tay tính toán diện tích mảnh đất mà ngày ngày học tập, vui chơi và phát triển nhân cách. Bằng các công thức toán học đã được học và kĩ năng tính toán chính xác, nhóm đại diện cho công ty hình vuông và hình thang đã xuất sắc tính chính xác diện tích của trường. Đại diện nhóm hình vuông đã lên trình bày phương án của mình. Vậy là các công ty đã trải qua phần thứ nhất và rút ra được cách tính diện tích đa giác nhưng thử thách vẫn còn ở phía trước. Lần này đại diện các công ty phải tính toán diện tích phần sân chơi và kiểm tra xem với kinh phí dự trù tối đa thì trường có đủ để trải cỏ diện tích sân chơi hay không. Trong phần thi này các đội sẽ hoạt động cá nhân. Khó có thể hình dung ra toán học lại gần gũi và thiết thực đến vậy. Chúng ta có thể dễ dàng tính toán các chi phí thông qua các con số, từ đó điều chính sao cho phù hợp. Qua phần thi này, các bạn học sinh hiểu được phần nào quá trình phát triển của lịch sử hình học, khi người xưa tính toán chia ruộng đất và năng suất trồng trọt. Kết thúc phần thi các bạn học sinh đã xuất sắc đưa ra câu trả lời của mình.

 

 

Thật tiếc là với kinh phí đưa ra thì không đủ để trải cỏ toàn bộ sân chơi. Quá bất ngờ phải không các bạn? Vậy bây giờ phải làm sao hỡi các công ty? Để đáp ứng nhu cầu vui chơi lành mạnh, rèn luyện thể thao, đặc biệt là bộ môn bóng đá, nhà trường quyết định đổi phương án làm sân cỏ bóng đá mini nhân tạo, nhưng với diện tích nhỏ như vậy công ty sẽ tăng giá mỗi mét vuông cỏ. Đại diện các công ty phải trải qua thử thách thứ 3 đó là tính toán chi phí tiết kiệm được nếu nhà trường làm sân cỏ nhân tạo. Tiết học trở nên rất sôi nổi, các đại diện công ty thay nhau đưa ra các ý kiến, cuối cũng cũng chốt được số tiền tiết kiệm được. Có vẻ như giờ học toán không còn một chút khô khan nào nữa, mà trở thành một giờ học sinh động, thực tế và lý thú, thu hút cả người học lẫn người dạy. Cả cô và trò đều bị cuốn theo những dự đinh và mong muốn trong tương lai. Vì vậy, giờ học trôi qua rất nhẹ nhàng, các kiến thức như thấm dần một cách tự nhiên, ai nấy cũng vui vẻ nhiệt tình với công việc của mình.

 

 

 

Liệu rằng kiến thức bài học hôm nay có giúp các bạn học sinh lớp 8E2 vượt qua thử thách mà chú ếch xanh gặp phải? Tất nhiên là các bạn ấy sẽ vượt qua thôi, bởi các bạn ấy được cùng tham gia trò chơi: “Cặp đôi hoàn hảo”, hai bạn sẽ dùng những miếng ghép để xếp thành hình như hai hình vẽ mà đề bài yêu cầu so sánh diện tích. Bằng trí thông minh và khả năng tư duy của mình, các bạn ấy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, với 7 miếng ghép khác nhau trong bộ xếp hình, các bạn ấy đã xếp được hai hình khác nhau và chứng tỏ diện tích của chúng bằng nhau. Như vậy các hình khác nhau có thể có diện tích bằng nhau và diện tích đa giác được tính bằng diện tích các đa giác thành phần không có điểm trong chung.

Đúng là Toán học rất gần gũi và thiết thực trong cuộc sống. Toán học gắn liền với thực tiễn. Qua tiết dạy của cô giáo Nguyễn Thu Hà, các bạn học sinh đã hiểu thế nào là Toán học và Ứng dụng. Một tiết học bổ ích và lí thú!

 

BAN BIÊN TẬP

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *