THAM QUAN HỌC TẬP MÔN VĂN VÀ LỊCH SỬ

 

Hôm nay, học sinh khối 9 chúng tôi đã có một buổi học tập trải nghiệm thật tuyệt – ngày học mà chơi, chơi mà học. Chúng tôi đã được tới viếng lăng Bác và đền vua Quang Trung – Nguyễn Huệ. Dù chỉ đi trong một buổi sáng ngắn ngủi nhưng chúng tôi đã đều cảm nhận được ý nghĩa của nó. 

 

 

 

Lăng Bác toạ lạc tại vị trí của lễ đài cũ giữa Quảng trường Ba Đình. Đã 6 năm rồi kể từ lần đầu tiên tôi tới đây- lớp 3. Điều duy nhất còn đọng lại trong tâm trí tôi về lần đầu tiên tới lăng Bác đó là mình được kết nạp Đội và đi ăn kem cùng cả lớp. Nhưng, bây giờ thì khác. Sau khi được tìm hiểu tôi mới biết trong di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn được hỏa táng và đặt tro tại ba miền đất nước. Tuy nhiên, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III, với lý do tuân theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân, quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Bác Hồ để sau này người dân cả nước, nhất là người dân miền Nam, khách quốc tế có thể tới viếng. Theo đoàn người chậm rãi tiến vào trước lăng, lòng tôi bỗng dang trào một thứ cảm xúc không thể gọi tên. Niềm vui, sự tự hào, nỗi ngậm ngùi, bâng khuâng. Tôi cũng không biết nữa, tôi chỉ biết mình đã mỉm cười thật tươi, trong đầu bất chợt thoáng qua vào câu thơ của bài "Viếng lăng Bác":

 

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác 
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát 
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam 
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng. 

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng 
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ 
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ 
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.”

 

 

 

  

Cả lăng Bác được bao trùm bởi không khí dịu mát từ cây cỏ và không khí trang nghiêm đặc trưng. Lăng gồm 3 lớp với chiều cao 21,6 mét; lớp dưới tạo dáng bậc thềm tam cấp, lớp giữa là kết cấu trung tâm của lăng gồm phòng thi hài và những hành lang, những cầu thang lên xuống. Quanh bốn mặt là những hàng cột vuông bằng đá hoa cương, lớp trên cùng là mái lăng hình tam cấp. Ở mặt chính có dòng chữ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh" bằng đá hồng màu mận chín. Xung quanh lăng là cả một khu đất rộng với hai khóm tre xanh rì rào trước gió. Nhìn những khóm tre ấy tuy gầy gò mà bất khuất, tôi lại nhớ tới hình ảnh của Bác, của những con người Việt Nam khi xưa – khi phải đấu tranh vì tự do của dân tộc. Phải chăng, khi đó, họ cũng gầy gò như thế, trông yếu ớt như thế nhưng lại thẳng thắn, bất khuất như những khóm tre này? Hai bên cửa lăng thẳng tắp hàng cây vạn tuế được chăm sóc cẩn thận, mà nổi bật lên chính là lăng Chủ tịch khổng lồ ở chính giữa. tôi chậm rãi tiến vào bên trong, cẩn thận quan sát từng chút một như sợ rằng sẽ bỏ lỡ bất cứ điều gì. Đứng trước hài cốt của Hồ Chủ tịch, tôi không khỏi ngậm ngùi xen lẫn tôn trọng và tự hào. Đây chính là vị chủ tịch kính yêu của đât nước Việt Nam chúng tôi, người đã giành lại hoà bình cho chúng tôi ư? Đây chính là nhà thơ tài ba mà chúng tôi đã được tìm hiểu qua các bài thơ sao? Đây là người đã quan tâm tới từng người dân một, giúp đỡ họ hết sức có thể cho dù chỉ là những điều nhỏ nhặt nhất ư? Tự nhiên tôi lại thấy mình vô tâm quá! Tôi đã chỉ học để thi, để biết, chứ chưa từng thực sự để tâm tới. Mắt tôi dường như hơi cay cay, nhưng rồi tôi đã bình tĩnh trở lại. 

 

 

 

 

Sau đó, chúng tôi tới nơi Bác ở. Nếu phải khái quát nơi đây bằng một từ thì đó chính là "giản dị". Từ ngôi nhà sàn bằng gỗ tới ao cá trong vắt rồi đến vườn cây xanh rờn, tất cả đã tạo nên một bức tranh thật giản đơn, thật mộc mạc nhưng cũng không kém tinh tế. Căn nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ mộc, với những dụng cụ đơn giản, không hề cầu kì, màu mè. Có lẽ, thứ duy nhất có giá trị trong căn nhà ấy là những cuốn sách của Bác. Bên ngoài là ao cá sạch sẽ, không có dấu vết của rác thải và đàn cá đang bơi lội thoải mái ở dưới có lẽ đã chứng minh điều đó. Ngay bên cạnh ao là vườn cây trồng đầy bưởi xanh đậm cả một khoảng không. Tôi bỗng tưởng tượng tới hình ảnh Bác ở đây, tự tay vun xới, tự tay trồng cây, tự tay tưới nước. Và đặc biệt, không hiểu sao trong khoảnh khắc ngắm nhìn bức tranh đó, tôi có thể cảm nhận được Bác vẫn đang ở đây, dõi theo từng đường đi nước bước của chúng tôi, mỉm cười hiền từ nhìn chúng tôi. Phải chăng, dấu ấn mà Bác để lại đây đã quá đậm, quá sâu khiến cho tôi ảo tưởng như vậy?

 

 

 

Thăm quan lăng Bác xong, chúng tôi di chuyển tới đền thờ vua Quang Trung tại gò Đống Đa. Tuy trời bất chợt mưa và vấn đề thời gian khiến chúng tôi chỉ có thể dừng chân lại một lát nhưng vẫn không hề ảnh hưởng tới chuyến khám phá của chúng tôi và cảm xúc của tôi lúc đó. Vừa bước xuống xe, tôi đã không khỏi ngỡ ngàng trước sự rộng lớn của ngôi đền này. Ngay trước mặt tôi lúc đó là cả một khoảng sân rộng lớn được lát bằng phẳng, cũng chính là nới diễn ra lễ hội Gò Đống Đa hằng năm. Đằng sau đó là ngôi đền và tượng vua Nguyễn Huệ cao lớn sừng sững. Bức tượng màu nâu ánh vàng lớn hơn tôi rất nhiều lần mô phỏng lại hình ảnh vị anh hùng dân tộc oai hùng, bất khuất, tài giỏi đang ngẩng cao đầu đối mặt với trời xanh, một tay mạnh mẽ cầm lấy chuôi kiếm càng trông uy mãnh, nghiêm trang. Bên dưới tượng chỉ đền hai chữ “Quang Trung – Nguyễn Huệ” nhưng chỉ nhiêu đó thôi cũng đã đủ gợi lại biết bao thăng trầm lịch sử, những kí ức và giai thoại về ông mà chúng tôi đã được thầy Hải – giáo viên lịch sử phổ biến ngay sau đó. Tiến vào đền, dáng vẻ cổ kính như bao trùm lên mọi vật. Tuy mọi thứ tại đây đều được làm bằng gỗ và cũng đã sờn đi theo năm tháng nhưng như vậy càng làm nổi bật nét cổ xưa mang theo một chút huyền bí, gợi nên sự tò mò của tôi khi tới tham quan ngôi đền.  Bên trong, gần như tất cả mọi thứ đều được mạ một lớp vàng óng ánh, đặc biệt là hai chú hạc ở hai bên bàn thờ thể hiện sự kính trọng, nghiêm trang. Tôi cũng theo các bạn bước đến trước đó, chắp tay cầu ước những nguyện vọng riêng của bản thân và không quên vái lạy một lần nữa sau cùng.

 

 

Kết thúc chuyến đi tham quan, khối 9 chúng tôi đã cùng nhau chụp lại một kiểu ảnh lưu niệm, đến khi ra về vẫn bàn tán rất sôi nổi. Tôi rất mong trường chúng ta sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động “vừa học vừa chơi” như vậy hơn nữa, để học sinh có thể trau dồi cả về mặt kiến thức lẫn mặt kĩ năng.  

 

Học sinh: Nguyễn Trần Vân Anh, lớp 9H3

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *